Pháp, Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) thống nhất thiết lập quan hệ đối tác ba bên tại cuộc họp giữa các ngoại trưởng ba nước ở New York (Mỹ) ngày 20-9, bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vừa rồi, theo tờ South China Morning Post.
Mục đích của việc thiết lập quan hệ đối tác ba bên là nhằm mục đích thúc đẩy an ninh hàng hải, nền kinh tế xanh và kết nối khu vực, cũng như an ninh lương thực và năng lượng ở Ấn Độ Dương.
Theo các nhà phân tích, Pháp, Ấn Độ và UAE đang cùng nhau duy trì “quyền tự chủ chiến lược” trong bối cảnh chịu áp lực chọn phe giữa các cường quốc thế giới. Ông Harsh V. Pant - GS quan hệ quốc tế tại Trường King’s College London - cho rằng những cường quốc tầm trung này đang muốn giữ lại không gian chiến lược của riêng họ giữa lúc cuộc đua quyền lực giữa các nước lớn đang diễn ra ngày một gay gắt hơn.
“Các nước này không muốn trở thành một phần của bất kỳ khối nào, vì vậy việc tăng cường quan hệ ba bên hiện là một lựa chọn tốt để duy trì quyền tự chủ chiến lược của riêng họ” - ông nói thêm.
Bên cạnh đó, giới phân tích nhận định việc thiết lập quan hệ ba bên với Ấn Độ và UAE sẽ giúp Pháp có cơ hội nhận được nhiều đơn hàng quân sự trị giá lên tới hàng tỉ USD.
Theo South China Morning Post, việc thiết lập quan hệ đối tác ba bên này diễn ra sau khi Pháp hụt thương vụ tàu ngầm trị giá 34,3 tỉ USD với Úc hồi tháng 9-2021. Thương vụ này sau đó về tay Mỹ, như một phần của liên minh an ninh AUKUS giữa Washington, Canberra và London.
Vụ việc khiến phía chính quyền Paris đẩy nhanh việc ký hợp đồng bán 80 chiến đấu cơ Rafale trị giá 16,6 tỉ USD cho UAE hồi tháng 12 năm ngoái. Vài ngày sau đó, UAE đã đóng băng các cuộc đàm phán mua tiêm kích tàng hình đa năng F-35 từ Mỹ, trong bối cảnh Washington gây áp lực lên Abu Dhabi nhằm hạn chế quan hệ của nước này với Trung Quốc.
|
Tiêm kích Rafale cất cánh từ tàu sân bay Charles-de-Gaulle (Pháp). Ảnh: WIKIMEDIA |
“Vụ căng thẳng AUKUS và việc các cuộc đàm phán F-35 bị đóng băng đã củng cố quan điểm rằng Pháp, Ấn Độ và UAE cần phải xây dựng khuôn khổ chính sách đối ngoại của riêng họ” - ông Jean-Loup Samaan, chuyên gia tại Viện Trung Đông thuộc ĐH Quốc gia Singapore, nói.
Ấn Độ đã mua 36 chiếc chiến đấu cơ Rafale từ Pháp trong giai đoạn năm 2019 đến tháng 7-2022, theo hợp đồng trị giá 7,7 tỉ USD được ký kết vào năm 2016. New Delhi cũng đang thử nghiệm phiên bản hải quân của Rafale đối phó tiêm kích hạm đa năng F/A-18F Super Hornet (Mỹ).
Theo South China Morning Post, Ấn Độ cũng hiện có kế hoạch mua 30 chiếc Rafale để trang bị cho INS Vikrant - tàu sân bay nội địa đầu tiên của New Delhi và được đưa vào hoạt động hồi tháng 8.
Ông Pant nói rằng Pháp, Ấn Độ và UAE sẽ đặt “trọng tâm lớn” vào việc đồng phát triển các chương trình Rafale. Theo ông, đối với Ấn Độ, Pháp là một “sự lựa chọn ít phức tạp hơn nhiều” so với Mỹ.
Dù vậy, theo giới phân tích, lợi thế cạnh tranh của Pháp trong việc đảm bảo các thỏa thuận quân sự tiếp theo với Ấn Độ và UAE có thể chỉ là thoáng qua. Theo ông Samaan, triển vọng mua bán này đầy biến động và nếu căng thẳng với Trung Quốc leo thang, Ấn Độ và UAE có lẽ sẽ ưu tiên “hàng Mỹ” hơn.