Chiều 5-7, ông Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Phú Yên, cho biết có đến bảy trong số 10 mẫu thức ăn lấy tại cơ sở bán bánh mì Thuận Phát (phường 1, TP Tuy Hòa) bị nhiễm Ecoli, tụ cầu khuẩn do bảo quản kém.
Đây là kết quả kiểm nghiệm sau khi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm, làm 26 người phải nhập viện trong hai ngày 18 và 19-6 mà Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh.
Tuy nhiên, các mẫu thức ăn gửi đi kiểm nghiệm lại được lấy hai ngày sau khi xảy ra vụ ngộ độc.
Một trẻ em nhập viện tại BV Sản Nhi Phú Yên sau khi ăn bánh mì. Ảnh: TL
Ông Tâm giải thích việc không lấy được mẫu thức ăn trong ngày các bệnh nhân ăn bánh mì dẫn đến ngộ độc là do cơ sở bánh mì Thuận Phát đã bán hết.
Theo ông Tâm, quy chế quản lý ngộ độc quy định các bệnh viện phải lấy mẫu ngay khi các bệnh nhân nôn mửa. Tuy nhiên, sau khi xảy ra vụ ngộ độc do ăn bánh mì, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Phú Yên đến các bệnh viện nhưng không lấy được mẫu nên phải lấy mẫu thức ăn vào ngày hôm sau tại cơ sở đã bán bánh mì cho bệnh nhân bị ngộ độc rồi đưa đi kiểm nghiệm tại Viện Pasteur Nha Trang. Ông Tâm cũng cho rằng không thể truy suất nguồn gốc thực phẩm toàn bộ các cơ sở cung cấp thực phẩm, gia vị cho cơ sở bánh mì Thuận Phát.
Cùng ngày, một nguồn tin xác nhận UBND phường 1 (TP Tuy Hòa) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2,2 triệu đồng đối với cơ sở bánh mì Thuận Phát do vi phạm các quy định về thức ăn đường phố. Chính quyền địa phương cũng đã cho phép cơ sở này kinh doanh trở lại.