Phạt hành chính người mẹ khai tử khi con đang sống

(PLO)- Người mẹ khai tử con trai cho là không muốn con bị liên lụy vì người thân có tiền án, tiền sự.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 24-5, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Đình Trung, Chủ tịch UBND phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, cho biết UBND phường đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với bà TTNP (32 tuổi, trú phường Tân An) do có hành vi vi phạm trong lĩnh vực hộ tịch.

Bà P là người đã làm thủ tục khai tử con trai mình là cháu NHL (ba tuổi) khi cháu đang còn sống.

Người mẹ sẽ bị phạt hành chính

Theo chủ tịch UBND phường Tân An, làm việc với chính quyền địa phương, bà P thừa nhận việc làm không đúng của mình và chấp nhận bị phạt hành chính.

Theo quy định, hành vi của bà P sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng. Thẩm quyền ra quyết định xử phạt là UBND TP Buôn Ma Thuột.

Cơ quan công an làm việc với cha mẹ cháu L. Ảnh: CA

Cơ quan công an làm việc với cha mẹ cháu L. Ảnh: CA

Ông Trung cho hay sau khi xác minh đầy đủ sự việc, làm việc với những người liên quan, UBND phường Tân An đã có báo cáo Phòng Tư pháp TP Buôn Ma Thuột để thực hiện các bước hủy giấy chứng tử theo quy định.

“Sau khi hủy giấy chứng tử, cơ quan liên quan sẽ tiến hành các bước để phục hồi hộ tịch cho bé L. Chúng tôi cũng sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm các cán bộ liên quan vì đã không xác minh, thực hiện theo quy định” - ông Trung nói.

Cũng theo ông Trung, làm việc với cơ quan chức năng, bà P khai mục đích chủ yếu của việc bà làm thủ tục khai tử con trai là không muốn chồng cũ qua lại thăm con, gây rối đối với bà.

“Làm như vậy để tốt cho con (!?)”Trao đổi với PV, bà P nói bà rất yêu và mong muốn con có một cuộc sống tốt hơn nên mới làm như vậy.

Theo trình bày của bà P, hôm 12-5, chồng cũ của bà là ông NTD (41 tuổi, ngụ huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, cha ruột cháu NHL) đến nhà bà quậy phá, đập chậu ném vào cửa kính. Trước đó, ông D đã nhiều lần đến đập phá nhà bà P.

Cha cháu bé đòi quyền nuôi con

Theo ông NTD, sau khi gia đình ông đón cháu L từ Đắk Nông về trụ sở Công an phường Tân Lợi, bà P đã tự nguyện giao con trai cho gia đình ông chăm sóc. Ngay sau đó, ông D đã gửi đơn ra tòa án yêu cầu thay đổi người nuôi con từ mẹ sang cha.

“Mặc dù tòa đã xử ly hôn tôi và anh D từ lâu, tòa tuyên cho tôi được nuôi con nhưng anh D hay đón con về Kon Tum. Anh D nhiều lần làm phiền tôi, đòi đất, đòi nhà dù đây là tài sản tiền hôn nhân của gia đình nhà tôi” - bà P nói.

Bà P giải thích làm thủ tục khai tử con trai là để chồng cũ không còn qua lại thăm con, quậy phá bà. Ngoài ra, bà P nói trong gia đình có người thân có tiền án, tiền sự, bà không muốn con mình liên lụy sau này. Bà khai tử con mình rồi gửi con cho một gia đình có lý lịch nhân thân tốt để sau này làm lại khai sinh cho cháu L. “Tất cả cũng vì tôi mong muốn con tôi sau này có cuộc sống tốt hơn nhưng vì chưa suy nghĩ thấu đáo nên đã dẫn đến sự việc như vậy! Tôi không hiểu về pháp luật, cũng không hỏi cán bộ tư pháp phường Tân An để hướng dẫn” - bà P nói với PV.

Thực hiện sai quy trình khai tử

Theo LS Đào Quang Huy, Đoàn Luật sư TP.HCM, Điều 34 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định: Người có trách nhiệm đi đăng ký khai tử nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy báo tử hoặc giấy tờ khác thay giấy báo tử cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

Ngay sau khi nhận giấy tờ theo quy định, nếu thấy việc khai tử đúng thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai tử vào sổ hộ tịch, cùng người đi khai tử ký tên vào sổ hộ tịch và báo cáo chủ tịch UBND cấp xã cấp trích lục cho người đi khai tử. Công chức tư pháp - hộ tịch khóa thông tin hộ tịch của người chết trong cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.

Về xử lý giấy chứng tử không có giá trị pháp lý, UBND cấp huyện có nhiệm vụ, quyền hạn thu hồi, hủy bỏ giấy tờ hộ tịch do UBND cấp xã cấp trái quy định.

LS Hà Ngọc Tuyền, Đoàn LS TP.HCM, phân tích thêm: Người mẹ trong vụ việc đi khai tử cho con đang còn sống có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 3 Điều 41 Nghị định 82/2020 có mức phạt tiền 10-20 triệu đồng. H.YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm