Ngày 29-5, gia đình ông Nguyễn Văn Bảy (ngụ xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) đang mổ con heo nái nặng khoảng 240kg thì phát hiện vật được cho là“cát lợn” quý hiếm. Cho rằng “cát lợn” có giá rất đắt nên gia đình ông Bảy mang gửi trong UBND xã để tránh kẻ gian trộm và chờ người mua được giá sẽ bán.
Vật được cho là“cát lợn” có giá rất đắt nên gia đình ông Bảy mang gửi trong UBND xã (ảnh H.Nam)
Theo ông Bảy, gia đình hành nghề mổ heo hơn 12 năm nhưng đây là lần đầu tiên phát hiện “cát lợn” nằm trong bao tử heo. Ông Bảy cho biết trước đó, ông mua con lợn nái nặng khoảng 240 kg với giá 5,2 triệu đồng của một người dân ở địa phương đem về xẻ thịt để mang ra chợ bán.
Khi xẻ thịt, người nhà phát hiện trong bao tử heo có 1 vật hình bầu dục nặng khoảng 350gram, được bao phủ lớp mỡ màu vàng, khi xé lớp mỡ ra có vật là màu nâu, xung quanh có nhiều lông và có mùi thơm của vị thuốc bắc.
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, cát lợn, còn gọi là trư cát, trư sa cát lợn hay trứng vàng, là một loại sỏi mật lành tính được tích tụ theo thời gian trong cơ thể lợn, được dân gian đánh giá là có giá trị đối với y học.
Cát lợn được tích tụ theo thời gian, nên thường gặp ở lợn nái sinh sản lâu năm, có khối lượng đến vai trăm gram, có vị ngọt, tính mát, để khô có mùi thảo mộc (thuốc bắc).
Có nhiều thông tin cho rằng cát lợn có giá trị trong chữa bệnh nên có giá thành cao, từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có những nghiên cứu, đánh giá cụ thể nào về những giá trị y học cũng như kinh tế mang lại của cát lợn.