Ngay sau đó, quả chuông này đã được chính quyền địa phương đưa về chùa Liên Hoa Tự trong thôn để cất giữ.
Trao đổi với báo chí, sư thầy Thích Đàm Oanh, chủ trì chùa Liên Hoa Tự cho biết: “Chiếc chuông này rất khác so với những chiếc chuông mà tôi từng biết. Ở xung quanh quả chuông có khắc chữ Nho, hình Phật. Đế chuông có khắc 53 cánh sen. Đặc biệt, quai của chuông có hình hai con rồng, bốn chân chụm vào nhau giống hình búp sen”.
Quai của chuông là hình hai con rồng, bốn chân chụm vào nhau giống hình búp sen.
Người dân thôn Nhân Vũ cho biết, tại thửa ruộng nơi phát hiện ra chuông cổ, những ngày mưa giông sấm sét luôn có hiện tượng sét đánh xuống mặt đất. Cách đây vài năm, cây bạch đàn ở khu vực đó cũng bị sét đánh chết. Thấy hiện tượng như vậy, anh Hóa mới rủ một người bạn thuê máy dò kim loại ra dò tại vị trí đó thì phát hiện chuông cổ.
Theo ông Đặng Xuân Hậu, Trưởng thôn Nhân Vũ, ruộng canh tác của anh Hóa bây giờ vốn là làng Như Kinh, cách nền chùa Như Kinh cũ khoảng 40m. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa hiện không còn nữa. Nhiều năm trước, người dân nơi đây còn tìm thấy bát, đĩa cổ. Năm 2008 cũng tìm thấy đầu Nghê bằng đất nung nhưng sau đó tất cả những cổ vật này đều bị thất lạc.
Được biết, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên đang tiến hành mời chuyên gia xác định niên đại và giá trị của chuông đồng nói trên.
Theo Nguyễn Dương (Dân trí)