Phát hiện “công tắc” bật - tắt ý thức trong não bộ người

Phát hiện “công tắc” bật - tắt ý thức trong não bộ người ảnh 1Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng việc kích thích phần nhân trước tường trong não của bệnh nhân giống như một công tắc bật-tắt, khiến họ mất ý thức, rồi lại lấy lại ý thức. (Nguồn: Corbis)

Bác sỹ Mohamad Koubeissi và nhóm nghiên cứu đến từ đại học George Washington đã xem xét một bệnh nhân mắc chứng động kinh và thấy rằng việc tác động các xung điện vào một khu vực cụ thể khiến cho bệnh nhân này rơi vào trạng thái “ngủ.” Khi các xung điện ngừng tác động, bệnh nhân lại trở về trạng thái bình thường và không hề có ký ức gì về điều vừa xảy ra.

Ý thức là trạng thái nhận thức được môi trường xung quanh. Mất ý thức thường được liên hệ với trạng thái ngủ.

Tuy nhiên, cách thức hoạt động của ý thức còn tồn tại nhiều bí ẩn - lý do chính xác vì sao và bằng cách nào chúng ta rơi vào trạng thái ngủ vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi. Vì vậy, phát hiện mới về chiếc “công tắc” này có thể trở nên rất hữu dụng trong một số lĩnh vực y dược.

Trong quá trình thử nghiệm lâm sàng, các nhà nghiên cứu sử dụng các kích thích não bộ sâu và có tần số thấp nhằm giúp giảm thiểu các cơn động kinh ở bệnh nhân.

Bác sỹ Koubeissi, người đứng đầu thử nghiệm, nhận thấy rằng các kích thích này có thể giảm thiểu tới 92% các cơn động kinh mà không làm ảnh hưởng tới ký ức.

Phát hiện “công tắc” bật - tắt ý thức trong não bộ người ảnh 2Hiệu ứng có được do tác động vào phần nhân trước tường của não bộ (được đánh dấu bằng mũi tên đỏ). (Nguồn: DailyMail)

“Đây là một thử nghiệm lâm sàng được thực hiện với mục đích xác định các phương thức mới nhằm giảm cơn co giật ở các đối tượng mắc chứng động kinh thùy thái dương rất khó điều trị, những người có nguy cơ mắc chứng giảm trí nhớ nếu thực hiện phẫu thuật cắt bỏ thùy thái dương,” bác sỹ cho biết.

“Trong vòng vài năm tới, chúng tôi hy vọng kết quả sẽ trùng khớp với những nghiên cứu trước đây, để có thể có được một cách thức điều trị tốt hơn cho người bệnh.”

Tuy nhiên trong quá trình nghiên cứu, khi chuyển sang sử dụng những xung điện có tần số cao hơn, các nhà khoa học đã phát hiện được một hiệu ứng đóng - mở rất thú vị của ý thức.

Khi kích thích phần nhân trước tường - một lớp nơron mỏng thuộc phần dưới đại não - của một bệnh nhân 54 tuổi, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng bệnh nhân này bị mất ý thức. Bệnh nhân không trả lời các mệnh lệnh và chỉ nhìn vô hồn vào không trung, trong khi đó nhịp thở của bệnh nhân cũng chậm lại.

Ngay khi các kích thích lên phần nhân trước tường kết thúc, bệnh nhân ngay lập tức lấy lại ý thức, đồng thời không hề biết chuyện gì vừa xảy ra.

Trong vòng 2 ngày, mỗi khi phần nhân trước tường nhận được kích thích, điều tương tự lại xảy ra. Các nghiên cứu khác cũng xác định rằng đây không chỉ đơn giản là một hiệu ứng phụ của các cơn co giật.

Bác sỹ Koubeissi so sánh hiệu ứng này với việc khởi động một chiếc xe ôtô, và giải thích rằng nó giống như khi vặn chìa khóa xe, tất cả các bộ phận của chiếc xe sẽ được đánh thức. 

Phát hiện này có thể còn mang theo một khả năng khác nữa: đối với những người bị rơi vào trạng thái ý thức yếu, như hôn mê chẳng hạn, khu vực nhân trước tường có thể được kích thích nhằm lấy lại trạng thái ý thức cho họ. Bước tiếp theo sẽ là mô phỏng hiệu ứng ở các bệnh nhân khác nhằm tìm hiểu thêm về vai trò của nhân trước tường trong việc quyết định trạng thái ý thức của con người./.

Theo MY NGUYỄN (VIETNAM+) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm