Các nhà điều tra phản gián Mỹ phát hiện một phụ nữ nghi là điệp viên Nga làm việc trong đại sứ quán Mỹ ở Moscow hơn 10 năm mà không lộ thân phận, The Guardian đưa tin.
Cảnh sát Nga tuần tra một tuyến đường trước đại sứ quán Mỹ tại Moscow. Ảnh: GETTY
The Guardian ngày 2-8 thông tin, người phụ nữ mang quốc tịch Nga nói trên được chính mật vụ Mỹ thuê về làm việc và đã có cơ hội tiếp cận với hệ thống mạng nội bộ và thư điện tử của Mật vụ Mỹ. Điều này cho phép điệp viên Nga có cơ hội tiếp cận với các tài liệu tối mật của Mỹ, bao gồm cả lịch trình làm việc của tổng thống và phó tổng thống.
Người phụ nữ Nga nhắc trên đã làm việc cho mật vụ Mỹ trong nhiều năm trước khi lọt vào tầm ngắm trong một cuộc điều tra vào năm 2016 của Văn phòng an ninh khu vực (RSO) thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ. Thân phận của người phụ nữ bị phát hiện trong cuộc kiểm tra định kỳ người nước ngoài làm việc cho các đại sứ quán Mỹ năm năm một lần vào năm 2016. Các điều tra viên của RSO phát hiện người phụ nữ Nga thường xuyên liên lạc trái phép với các nhân viên của Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB).
Theo ghi nhận của The Guardian, RSO đã cảnh báo về hoạt động của người này từ tháng 1-2017 nhưng mật vụ Mỹ không mở cuộc điều tra toàn diện mà thay vào đó đã để cô lặng lẽ rời công việc sau vài tháng nhằm tránh sự chú ý của dư luận và truyền thông, có lẽ để hạn chế gây ra những phiền toái nếu làm rùm beng vụ việc.
Một nguồn tin tình báo nói với The Guardian rằng người phụ nữ trên bị thu hồi giấy phép an ninh và bị sa thải hồi mùa hè năm ngoái sau khi Moscow trục xuất hàng loạt nhà ngoại giao Mỹ để đáp trả các lệnh trừng phạt bổ sung từ Washington.
“Mật vụ Mỹ đã tìm cách giấu nhẹm vụ việc bằng cách sa thải cô ta. Đã có những thiệt hại xảy ra nhưng ban quản lý cấp cao của mật vụ Mỹ không tiến hành điều tra nội bộ để đánh giá những thiệt hại đó cũng như để tìm hiểu xem liệu cô ta có tuyển mộ thêm nhân viên nào khác để cung cấp thông tin cho cô ta hay không” - nguồn tin tình báo cho biết thêm.
Một nhân viên mật vụ Mỹ làm nhiệm vụ khi máy bay chở cựu Tổng thống Barack Obama chuẩn bị hạ cánh xuống New York năm 2015. Ảnh: GETTY
Khi được hỏi chi tiết về cuộc điều tra liên quan tới nữ điệp viên Nga cũng như việc sa thải người phụ nữ này, mật vụ Mỹ đã tìm cách giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Tuy vậy, mật vụ Mỹ cũng không phủ nhận đây có thể là điệp viên hai mang.
Trong một thông cáo, mật vụ Mỹ cho hay: “Mật vụ Mỹ hiểu rằng tất cả Nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài (FSN) cung cấp các dịch vụ bổ sung để hỗ trợ cho công việc của chúng tôi, chẳng hạn công việc hành chính, đều có thể là mục tiêu của tình báo nước ngoài. Điều này đặc biệt được lưu ý ở Nga. Do vậy, tất cả nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài đều được quản lý chặt chẽ để đảm bảo rằng các lợi ích của mật vụ Mỹ và chính quyền Mỹ được bảo vệ trong mọi thời điểm. Do vậy, các công việc dành cho họ chỉ giới hạn ở những vị trí phiên dịch, biên dịch, chỉ dẫn văn hóa, liên lạc kết nối và hỗ trợ hành chính”.
Bộ Tư pháp Mỹ hồi giữa tháng 7 đã bắt nữ sinh viên Nga tên Maria Butina với cáo buộc âm mưu làm điệp viên cho chính phủ Nga khi xây dựng quan hệ với các công dân Mỹ và thâm nhập các nhóm chính trị.