Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM vừa tổ chức tọa đàm “Nghệ thuật khen thưởng và kỷ luật học sinh” với sự tham gia của giảng viên một số trường đại học và các nhà quản lý một số trường THPT trên địa bàn TP.
Kỷ luật học trò bằng trái tim
Nói về kỷ luật học sinh, ThS Nguyễn Nguyệt Lệ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Minh Khai, đã chia sẻ một câu chuyện mà bà từng xử lý.
Sự việc xảy ra vào giữa học kỳ 2 năm ngoái. Một nữ sinh lớp 12 đã đánh cắp điện thoại của bạn. “Nếu lấy Thông tư 08 và Thông tư 58 ra để xử lý sự việc thì đúng khung luôn. Em sẽ bị hạnh kiểm yếu và phải thành lập một hội đồng kỷ luật. Thế nhưng em đang học lớp 12, nếu tôi thực hiện theo đúng nguyên tắc thì em sẽ không được tham dự kỳ thi THPT quốc gia” - bà Lệ nói.
Hoàn cảnh của nữ sinh này cũng rất đáng thương. Cha thường công tác xa nhà, em sống với bà ngoại nên thiếu sự dạy dỗ, quan tâm từ gia đình. Sau khi xem xét, bà Lệ đã phối hợp với giáo viên chủ nhiệm tổ chức một buổi nói chuyện thân mật có sự tham gia của các bên liên quan. Tại đây, nữ sinh đã nhận lỗi về hành vi của mình.
“Kỷ luật là phải tỏ thái độ, phải để học sinh nhận khuyết điểm. Tuy nhiên, kỷ luật cũng phải xuất phát từ tình thương và sự cảm hóa. Vì thế, hôm đó, sau buổi làm việc tôi đã ôm em và nói: “Đây là một bài học cho con. Cô và giáo viên chủ nhiệm sẽ có tiếng nói để xin hạnh kiểm cho con với điều kiện từ tháng 3 đến tháng 5 con phải thể hiện sự tiến bộ, không được vi phạm bất cứ hành vi nào. Cô tin rằng con sẽ làm được”. Và sự việc được giải quyết một cách kín đáo”.
“Trong lễ tri ân trưởng thành, các học sinh 12 sẽ tự làm vòng đeo tay màu tím để tặng cho các thầy cô mà mình yêu thương. Thật bất ngờ, hôm đó em chạy đến đeo vào tay tôi chiếc vòng thân thương ấy. Và sau đó, tại kỳ thi THPT quốc gia, em đã đạt số điểm khá cao. Dịp lễ 20-11 vừa rồi em cũng về trường thăm tôi” - bà Lệ nhớ lại.
Cô Phan Thụy Mộng Thu, giáo viên Trường THCS Lữ Gia, quận 11, tặng quà cho những học sinh đạt kết quả cao trong học tập. Ảnh: MT
Liên hệ với sự việc tại Trường THCS Ngô Quyền, bà Lệ cho biết việc kỷ luật như thế do ban giám hiệu trường quá nguyên tắc, cứng nhắc. Các nhà quản lý trước khi ra kết luận hãy cân nhắc thật kỹ, thậm chí có thể bàn bạc trong liên tịch, trong hội đồng sư phạm, lấy ý kiến từ những nhà tâm lý.
Trong khi đó, thầy Hoàng Sỹ Đăng, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, cho hay giáo dục có nghĩa là làm sao khiến điều xấu trở thành điều tốt. Bản chất của kỷ luật là làm sao để các em nhận ra sai lầm của mình và không còn tái phạm. Theo thầy Đăng, khi khen ngợi ai đó thì việc khen ngợi nên diễn ra ở chỗ đông người vì nó sẽ đem lại nhiều tác dụng tích cực. Còn khi chê, kỷ luật một ai đó thì nên diễn ra ở nơi ít người, kín đáo để tránh ức chế cho người đó.
Phải thổi hơi thở của thời đại vào Thông tư 08 Chúng ta phải thổi hơi thở của thời đại vào Thông tư 08. Việc cảnh cáo trước toàn trường và đuổi học một năm không còn phù hợp. Vì khi đuổi học, ai sẽ là người quản lý trực tiếp, dạy dỗ em, khi em quay về trường thì tri thức, kiến thức đã thay đổi hằng ngày, hằng giờ sao em bắt kịp. ThS NGUYỄN NGUYỆT LỆ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Minh Khai |
Động lực từ lời phê “Chúc mừng con”
Tại tọa đàm, vấn đề khen ngợi học sinh ra sao để tạo động lực cho các em cũng được nhiều nhà giáo quan tâm. Thầy Nguyễn Tường Thịnh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, đã kể lại một sự việc.
Sáu năm trước, thầy được phân công chủ nhiệm một lớp. Trong lớp có một em học rất chăm chỉ nhưng bài kiểm tra 15 phút chỉ đạt 5 điểm trong khi nhiều bạn điểm cao hơn. Biết em buồn, tôi lại gần động viên: “Thầy thấy con học hành siêng năng. Thầy mong con hãy tiếp tục hành trình đó và thầy tin rằng điểm kiểm tra những lần khác của con sẽ cao hơn”.
Sau đó hai tuần, lớp kiểm tra một tiết. Lần này lớp chỉ có bốn em đạt điểm 10 trong đó có em. Trong bài kiểm tra, thầy có ghi lời phê: “Chúc mừng con, con đã làm được”.
“Cuối học kỳ, khi tôi cho học trò viết một bức thư phản hồi về công tác giảng dạy, tôi đã nhận được bức thư của em. Trong thư em viết, khi nhận được lời phê với dòng chữ “Con đã làm được” của thầy, em như được tiếp thêm động lực. Em học hành chăm chỉ hơn. Và thực tế những bài kiểm tra sau đó em đều không có điểm nào dưới 8”.
Qua sự việc, thầy Thịnh nêu quan điểm khen ngợi học sinh nhiều khi chỉ là những lời động viên kịp thời cũng tạo nên động lực lớn cho các em.
“Hôm nay, con là một ngôi sao!” Thầy Nguyễn Tường Thịnh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, cho rằng trường học nên có nhiều phong trào, nhiều hoạt động. Bởi đó là cơ hội để học sinh thể hiện, tạo điều kiện để giáo viên khen ngợi các em. Thầy Thịnh kể: “Tôi từng dạy một lớp, trong đó có một em học rất yếu môn lý nên em hay mặc cảm về bản thân. Điểm kiểm tra của em bao giờ cũng thấp nhất lớp. Thế nhưng vào một lần khi nhà trường tổ chức hội thảo với đoàn học sinh nước ngoài, em lại thể hiện rất tốt. Em tự tin trong giao tiếp tiếng Anh khiến các bạn trong lớp đều phải trầm trồ. Khi đó tôi đến và nói với em: “Hôm nay con là một ngôi sao”. Từ đó em thích thú hơn với việc học”. |