Các quan điểm pháp lý của Sở Tư pháp trong việc này cũng được Sở Xây dựng đồng thuận.
Dẫn chiếu Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 và hướng dẫn nêu tại điểm a khoản 2 Điều 38 Nghị định 34/2016, Sở Tư pháp cho rằng việc áp dụng Nghị định 180 sau khi Luật Xây dựng 2014 có hiệu lực là không đảm bảo cơ sở pháp lý. Theo khoản 4 Điều 154 luật trên, “văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành các điều, khoản, điểm được giao quy định chi tiết thi hành văn bản đó đồng thời hết hiệu lực”.
Do là văn bản quy định chi tiết Luật Xây dựng 2003 nên khi Luật Xây dựng 2003 hết hiệu lực thì Nghị định 180 sẽ hết hiệu lực. Vì chưa có nghị định thay thế nên để hoạt động quản lý trật tự xây dựng không bị gián đoạn, Bộ Xây dựng đã có văn bản báo cáo Chính phủ quyết định tiếp tục áp dụng Nghị định 180 đối với những nội dung không trái Luật Xây dựng 2014 đồng thời đình chỉ thực hiện một số nội dung trái luật này (trong đó có việc ngừng cung cấp điện, nước công trình vi phạm). Tuy nhiên, văn bản đó của Bộ Xây dựng không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên các địa phương sẽ không có điểm tựa pháp lý trong trường hợp bị khiếu nại, khởi kiện hành chính.
Từ vụ chủ quán cà phê Xin Chào ở thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh (TP.HCM) bị UBND thị trấn căn cứ vào Nghị định 180 để xử lý hành vi xây dựng không phép vào ngày 16-8, báo Pháp Luật TP.HCM ngày 21-8 đã có bài “Vụ Xin Chào: Báo động pháp luật “tù mù””. Theo nguyên tắc “luật mẹ chết thì luật con chết theo”, ngoài việc nêu ý kiến của các chuyên gia là Nghị định 180 đã hết hiệu lực, bài báo này còn đặt vấn đề: Nếu không áp dụng Nghị định 180 thì sẽ có khoảng trống pháp lý khủng khiếp trong công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị. Ngược lại, nếu tiếp tục thực hiện nghị định này bằng văn bản cá biệt của Bộ Xây dựng thì cũng không đủ tính pháp lý.