Phát triển đồng bằng sông Cửu Long: Bắt đầu từ giao thông

Sáng 3-11, Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2021-2025 đã tổ chức hội nghị trực tuyến nhằm lấy ý kiến hoàn thiện quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Chủ tịch hội đồng và lãnh đạo một số bộ, cơ quan và 13 tỉnh, TP vùng ĐBSCL.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Quy hoạch vùng ĐBSCL là công cụ quan trọng hàng đầu để định hướng đầu tư phát triển nhanh và bền vững.
Ảnh: VGP/ĐỨC TUÂN

Chấm dứt tình trạng địa phương nào làm quy hoạch địa phương đó

Tại hội nghị, bản dự thảo quy hoạch đã được Bộ KH&ĐT đưa ra. Các địa phương cơ bản nhất trí với bản quy hoạch này vì đã được chuẩn bị công phu với nhiều điểm đột phá.

Tuy nhiên, theo Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được, một trong những điểm nghẽn lớn nhất đối với vùng là hạ tầng giao thông, hiện chưa đáp ứng được yêu cầu. Ông Nguyễn Văn Được cho biết lãnh đạo Chính phủ đã nêu chiến lược “8G” phát triển ĐBSCL, trong đó chữ G đầu tiên là “giao thông”. “Giao thông phát triển sẽ tạo sự kết nối thuận tiện, chi phí thấp, thúc đẩy giao thương, mở mang kinh tế cho người dân, làm cơ sở ứng phó hiệu quả với thách thức của biến đổi khí hậu” - ông Nguyễn Văn Được nói và đề nghị tới đây cần tập trung đầu tư cho các công trình giao thông liên vùng.

Cùng quan điểm, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho rằng giao thông phải kết nối các cụm công nghiệp và dịch vụ của các tỉnh trong vùng với nhau, trong đó phải xây dựng các trung tâm đầu mối, xem đây là khâu đột phá.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho rằng trong thời gian qua, các địa phương vùng ĐBSCL đã có rất nhiều sáng kiến để liên kết với nhau nhưng chủ yếu là các sáng kiến nhỏ lẻ của các cụm.

“Với bản quy hoạch này, chúng ta sẽ có thể chế, sẽ có trung tâm điều phối liên kết. Sẽ có một bản đồ án quy hoạch chung vừa tích hợp các ngành nhưng đồng thời cũng là tích hợp của 13 tỉnh, TP vùng ĐBSCL, chúng ta sẽ chấm dứt tình trạng mạnh địa phương nào làm địa phương đó” - ông Mạnh nói.

Tới năm 2025, ĐBSCL có 300 km cao tốc

Giải đáp ý kiến các địa phương về vấn đề giao thông, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết hiện Chính phủ và Bộ GTVT đang ưu tiên, tập trung đặc biệt cho một số dự án như cao tốc TP.HCM - Cà Mau, cao tốc An Hữu - TP Cao Lãnh - cầu Vàm Cống - Rạch Giá, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - cảng Trần Đề... “Nếu làm tốt thì đến năm 2025, chúng ta sẽ có 300 km đường cao tốc trong vùng (hiện mới có hơn 50 km cao tốc TP.HCM - Trung Lương). Như thế để thấy trung ương, Chính phủ rất quan tâm, tập trung cho cao tốc” - ông Thể nói. Bên cạnh đó là triển khai bảy tuyến quốc lộ.

Về hàng hải, theo ông Thể, Bộ GTVT ủng hộ phát triển mạnh cảng quốc tế Long An, ủng hộ Trà Vinh xây dựng cảng tổng hợp Trà Vinh duyên hải, ủng hộ Cà Mau kêu gọi nhà đầu tư vào cảng Cầu Vai, riêng cảng Trần Đề của Sóc Trăng cũng đang xúc tiến đầu tư...

Về hàng không thì sẽ nâng cấp Cảng hàng không Cần Thơ, mở rộng sân bay quốc tế Phú Quốc...

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết hiện nay bốn quy hoạch quốc gia của ngành giao thông vận tải (gồm quy hoạch đường bộ, đường sắt, cảng biển, đường thủy) đã được ban hành, còn quy hoạch hàng không đang trong quá trình phê duyệt. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục cập nhật các quy hoạch ngành (hàng không) quốc gia vào quy hoạch vùng ĐBSCL.

Ưu tiên cao nhất cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

Kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nói tất cả ý kiến của địa phương đều thống nhất đánh giá quy hoạch vùng ĐBSCL đã được chuẩn bị kỹ, kế thừa quá trình phát triển, cập nhật các yêu cầu trong tình hình mới. Vấn đề còn lại, theo Phó Thủ tướng là kế hoạch thực hiện sẽ như thế nào, bao giờ, tiến độ ra sao...

Phó Thủ tướng cho rằng quy hoạch là công cụ quan trọng hàng đầu để định hướng, dẫn dắt đầu tư phát triển. Nhưng công tác lập kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch cũng rất quan trọng, bởi nếu không tổ chức thực hiện có hiệu quả thì sẽ trở thành quy hoạch treo. “Muốn phát triển được vùng ĐBSCL thì việc đầu tiên mà các địa phương cần tập trung thực hiện là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Điều này cũng giúp tăng cường liên kết vùng, phát huy vai trò, thế mạnh của vùng” - Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, sau khi có quy hoạch, các địa phương chủ động lên kế hoạch, phân kỳ đầu tư, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các dự án. Dẫn chứng về sự phát triển của TP Hải Phòng, Phó Thủ tướng cho biết đối với địa phương này, 90% nguồn vốn đầu tư phát triển là từ doanh nghiệp và người dân, chỉ có 10% nguồn vốn là từ ngân sách nhà nước. Các địa phương vùng ĐBSCL cần tập trung huy động nguồn vốn xã hội hóa cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. “Muốn huy động doanh nghiệp thì phải trên cơ sở đã có quy hoạch. Chúng ta mời họ khảo sát, thiết kế, lập dự án đầu tư các hình thức như PPP” - Phó Thủ tướng nói.

Xã hội hóa việc xây hồ, trữ nguồn nước ngọt

Đại diện nhiều tỉnh, TP vùng ĐBSCL cho rằng từng bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, các địa phương rất “khát” và đã đề xuất đầu tư xây dựng nhiều hồ thủy lợi, tích trữ nước ngọt, bởi đây là việc rất cần thiết. Theo các tỉnh, TP, việc đầu tư xây dựng hồ chứa đòi hỏi nhiều nguồn lực, tuy nhiên không nên chỉ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước mà cần có chính sách huy động thêm nguồn xã hội hóa.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, nền tảng, đặc sắc của vùng ĐBSCL. Do đó, phải tập trung quản lý tổng hợp tài nguyên nước dựa trên đánh giá tác động và khả năng đáp ứng của nguồn nước. Cần xác lập nguyên tắc tổng thể về việc vận hành các hệ thống hạ tầng liên quan đến nước để đảm bảo phát triển bền vững. Tăng tích trữ nước ngọt qua xây dựng hệ thống hồ chứa, đê ngăn mặn, tạo tính linh hoạt trong khơi thông các dòng nước.

Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết đã có nhiều dự án nạo vét, mở kênh lớn để trữ nước ngọt, trong đó có dự án cải tạo kênh, trục chính dẫn nước ngọt từ sông Hậu đến bán đảo Cà Mau. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.