Ngày 5-8, tại Đà Nẵng, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thành ủy Đà Nẵng và Trường ĐH Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
|
Hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức tại Đà Nẵng ngày 5-8. Ảnh: TẤN VIỆT |
|
Phát triển ngành dịch vụ là động lực quan trọng thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong ảnh: Du khách đến Đà Nẵng trong mùa du lịch hè 2022. Ảnh: TẤN VIỆT |
Tái cấu trúc ngành dịch vụ
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay qua 35 năm đẩy mạnh CNH, HĐH, nước ta đã có bước chuyển đổi sâu sắc. Từ một quốc gia kém phát triển, thu nhập bình quân đầu người thấp vươn lên nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình.
Theo ông Quảng, phát triển ngành dịch vụ trong bối cảnh CNH, HĐH đã mang lại các giá trị rất lớn. Không chỉ tạo động lực cho kinh tế phát triển, ngành dịch vụ còn khơi dậy các tiềm năng, lợi thế và văn hóa của đất nước, con người Việt Nam. Đồng thời tạo lập, củng cố sự liên kết giữa các ngành, lĩnh vực và lan tỏa đến toàn bộ nền kinh tế.
Tại hội thảo, TS Trần Văn Anh (ĐH Đông Á) cho rằng thời điểm này, dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc. Những hậu quả do dịch gây ra sẽ kéo dài trong nhiều năm. Căn cứ vào những diễn biến đã và đang diễn ra, các nhà hoạch định chính sách cần đánh giá và tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế và các ngành kinh tế.
Riêng với ngành du lịch, ông Anh cho rằng để thích ứng và phát triển bền vững trong thời gian tới có thể tái cấu trúc theo các hướng sau: Phát triển du lịch an toàn, liên kết phát triển, sản phẩm và địa bàn du lịch, nhu cầu và thị trường du lịch, nhân lực du lịch, phát triển du lịch xanh và đẩy mạnh vai trò của hiệp hội du lịch và các hiệp hội ngành nghề.
Chuyên gia kinh tế Bùi Quang Bình cũng nêu quan điểm về cách thức cơ cấu lại các ngành dịch vụ nhìn từ Đà Nẵng. Theo ông Bình, việc cơ cấu lại ngành dịch vụ của Đà Nẵng phải trên cơ sở tư duy mở, kết nối và tích hợp với các trung tâm dịch vụ vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước, với các trung tâm dịch vụ phát triển nhất trên thế giới.
Cơ cấu lại ngành dịch vụ cũng phải kết hợp hài hòa với các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác để Đà Nẵng tái cơ cấu kinh tế, xây dựng mô hình tăng trưởng dựa vào nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
“Tạo mọi điều kiện cho khu vực tư nhân trong và ngoài nước tham gia vào phát triển và quản trị hạ tầng, kinh doanh dịch vụ, coi đây là động lực chính để cơ cấu lại các ngành dịch vụ” - ông Bình cho hay.
Tỉ trọng của khu vực dịch vụ trong GDP tăng dần qua các năm, hiện chiếm trên 40% tổng GDP cả nước.
Dịch vụ là động lực quan trọng
Kết luận hội thảo, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định: CNH, HĐH đất nước không đồng nhất CNH với phát triển công nghiệp mà cần phát triển hài hòa giữa công nghiệp với nông nghiệp và dịch vụ.
“Thực tế đã chứng minh phát triển ngành dịch vụ là động lực quan trọng thúc đẩy thực hiện các mục tiêu CNH, HĐH. Kết quả đánh giá CNH, HĐH giai đoạn vừa qua cho thấy cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế, khu vực dịch vụ đã có bước tăng trưởng đáng kể về quy mô, đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Các ngành dịch vụ đã phát triển đa dạng hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của sản xuất và đời sống” - ông Trần Tuấn Anh nói và cho hay tỉ trọng của khu vực dịch vụ trong GDP tăng dần qua các năm, hiện chiếm trên 40% tổng GDP cả nước.
Theo ông Trần Tuấn Anh, mô hình CNH, HĐH đất nước trong thời gian tới cần phải thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới. CNH, HĐH cần dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm. Trọng tâm là chuyển đổi số toàn diện, đặt con người vào vị trí trung tâm, xác định rõ nhân dân là đối tượng phục vụ, thụ hưởng đồng thời khẳng định rõ CNH, HĐH là sự nghiệp toàn dân.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng cần chú trọng phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, hàm lượng tri thức và công nghệ cao như: Hàng hải, dịch vụ kỹ thuật dầu khí, hàng không, viễn thông, công nghệ thông tin. Quan tâm HĐH và mở rộng các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, logistics…
Cũng theo ông Trần Tuấn Anh, việc phát triển ngành du lịch phải bảo đảm tính chuyên nghiệp, đồng bộ và bền vững, tạo lập hệ sinh thái du lịch thông minh. Thời gian tới cần tập trung phát triển nhanh một số trung tâm dịch vụ, du lịch tầm cỡ khu vực và thế giới. Đồng thời gắn phát triển du lịch với hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế đất nước, song song với bảo tồn và phát huy vai trò của các giá trị di sản văn hóa truyền thống.
“Quan tâm phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chú trọng phát triển công nghiệp và dịch vụ văn hóa trong bối cảnh, điều kiện mới để tạo sức mạnh nội sinh, động lực phát triển kinh tế - xã hội” - ông Trần Tuấn Anh cho hay.•
Kiên định xây dựng đất nước hùng cường
“Việt Nam đang trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu, đứng vị trí thứ sáu trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu. Nước ta cũng là nền kinh tế phát triển năng động, tham gia 15 hiệp định thương mại tự do, trong đó có nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với 60 đối tác lớn. Việt Nam cũng có thị trường nội địa gần 100 triệu dân, trong đó dân số trẻ chiếm tỉ lệ cao, có tinh thần vượt khó, đổi mới sáng tạo, có khả năng thích ứng nhanh. Do đó, Việt Nam kiên định nỗ lực hướng đến mục tiêu xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng, xây dựng được nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng” - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nói.