Video: Dịch vụ là động lực quan trọng thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa |
Sáng 5-8, tại Đà Nẵng diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TẤN VIỆT |
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) đất nước mang tính xuyên suốt từ Đại hội VI đến nay.
Qua 35 năm đẩy mạnh CNH, HĐH, nước ta đã có bước chuyển đổi sâu sắc. Từ một quốc gia kém phát triển, thu nhập bình quân đầu người thấp, đến nay Việt Nam đã thuộc nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình.
Theo ông Quảng, phát triển ngành dịch vụ trong bối cảnh CNH, HĐH đã mang lại các giá trị rất to lớn.
Điều này không chỉ tạo động lực cho kinh tế phát triển mà còn khơi dậy các tiềm năng, lợi thế về văn hóa của đất nước, con người Việt Nam. Đồng thời tạo lập, củng cố sự liên kết giữa các ngành, các lĩnh vực và tác động lan tỏa đến toàn bộ nền kinh tế.
Hội thảo đã thu hút gần 60 bài báo cáo, tham luận của các nhà khoa học, chuyên gia và những người làm thực tiễn trên nhiều lĩnh vực khác nhau để đưa ra giải pháp hoàn thiện chủ trương, chính sách về phát triển ngành dịch vụ phục vụ mục tiêu CNH, HĐH đất nước.
Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Ảnh: TẤN VIỆT |
Kết luận hội thảo, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho hay không đồng nhất CNH, HĐH với phát triển công nghiệp mà cần phát triển hài hòa giữa công nghiệp với nông nghiệp và dịch vụ.
“Thực tế đã chứng minh, phát triển ngành dịch vụ là động lực quan trọng thúc đẩy thực hiện các mục tiêu CNH, HĐH. Kết quả đánh giá CNH, HĐH giai đoạn vừa qua đã cho thấy cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế, khu vực dịch vụ đã có bước tăng trưởng đáng kể về quy mô, đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của nền kinh tế” - ông Trần Tuấn Anh nói.
Theo ông Trần Tuấn Anh, các ngành dịch vụ đã phát triển đa dạng hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của sản xuất và đời sống. Tỉ trọng của khu vực dịch vụ trong GDP tăng dần qua các năm, hiện chiếm trên 40% tổng GDP cả nước.
Bên cạnh đó, thương mại truyền thống tiếp tục phát triển mạnh. Việt Nam đang trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu, đứng thứ sáu trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho hay, Việt Nam là nền kinh tế phát triển năng động, tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do, trong đó có nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với 60 đối tác lớn.
Việt Nam có thị trường nội địa gần 100 triệu dân, trong đó dân số trẻ chiếm tỉ lệ cao, có tinh thần vượt khó, đổi mới sáng tạo, có khả năng thích ứng nhanh.
“Việt Nam kiên định nỗ lực hướng đến mục tiêu xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng, xây dựng được nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng” - ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.