Ngày 28-7, Ban Kinh tế Trung ương, Thành ủy TP.HCM, ĐH Quốc gia TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Chủ trương và chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Ta tự hại mình, chưa thắng cùng bạn
Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng đến nay quy mô của nền công nghiệp quốc gia còn nhỏ. “Nếu tiếp tục duy trì tình trạng này thì Việt Nam không tránh khỏi vướng vào nấc thang thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu” - GS-TS Thắng nói và nhìn nhận chiến lược CNH, HĐH đến nay có nhiều nội dung vẫn chưa rõ trọng tâm, trọng điểm.
“Khi chúng tôi hỏi, các tập đoàn lớn nói đến Việt Nam để kinh doanh, hợp tác lâu dài nhưng không nghĩ làm sao cho các doanh nghiệp Việt Nam lớn lên cùng với mình” - ông Thắng kể và cho rằng cần ràng buộc để ta - bạn cùng thắng (win - win), cùng có lợi ích chứ không phải chỉ ưu đãi để thu hút doanh nghiệp, lấp đầy các khu công nghiệp, trong khi doanh nghiệp Việt Nam không lớn lên được.
Sản xuất điệnthoại thông minh tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Ảnh: TTXVN |
Ông Thắng khẳng định nước ta có nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế, nhiều khu ven biển rất lớn nhưng chưa có khu nào tạo ra sức lan tỏa cho cả nước. Trong khi đó, những khu vực này đang phân tán nhỏ lẻ, cục bộ, khi khai thác tiềm năng, lợi thế thì nội bộ cạnh tranh lẫn nhau. “Nếu phát triển CNH, HĐH như thế thì chúng ta tự làm yếu mình” - ông Thắng nói.
Xuất được 2 đồng, nhập đã mất 1,8 đồng
Tại hội thảo, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho biết đến nay nhận thức về mô hình phát triển CNH, HĐH chưa định hình rõ nét, chưa phát triển có hiệu quả các ngành công nghiệp. Ông Ngân dẫn chứng TP.HCM có Khu công nghệ cao là một trong ba khu công nghệ cao của cả nước, thời gian qua đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đóng góp kim ngạch xuất nhập khẩu cho TP trên 40% nhưng giá trị gia tăng thấp. “Để xuất khẩu được 20 tỉ USD vào năm 2021 thì Khu công nghệ cao phải nhập khẩu trên 18 tỉ USD” - ông Ngân nói.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân cho biết thời gian tới TP.HCM sẽ điều chỉnh chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài. “Khi các khu công nghiệp hết hạn cho thuê thì TP không khuyến khích, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp thâm dụng vốn, thâm dụng lao động, tài nguyên thiên nhiên mà chỉ khuyến khích thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp công nghệ cao” - ông Ngân nói.
Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng hàng chục năm qua TP.HCM đã định hình nên các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao… Nhưng đó chưa phải là “hồn cốt”, “xương sống” của CNH, HĐH. Về bản chất, những nơi đó vẫn là nơi sử dụng đất rộng, lao động phổ thông, chất lượng chưa cao, kỹ thuật - công nghệ mới đạt mức công xưởng lắp ráp, chưa phải là nơi sản xuất ra các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, trí tuệ cao…
Phát biểu kết luận hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhìn nhận qua 35 năm đổi mới, từ lý luận đến thực tiễn mô hình, chính sách CNH, HĐH vẫn còn nhiều vấn đề, tồn tại… Theo ông Trần Tuấn Anh, mô hình CNH, HĐH đất nước trong thời gian tới cần dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và đó cũng là động lực quan trọng hàng đầu của CNH, HĐH.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định hướng tiếp cận CNH, HĐH trong giai đoạn mới là phải hướng tới làm chủ về công nghệ, nhất là các công nghệ lõi, công nghệ nguồn, công nghệ số, công nghệ vật liệu cơ bản; ưu tiên phát triển lực lượng doanh nghiệp công nghiệp trong nước lớn mạnh, đổi mới thu hút FDI theo hướng có chọn lọc, chất lượng cao…
TP.HCM: Đưa sản phẩm công nghiệp ra khu vực và thế giới
Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết: Thời gian qua, TP.HCM đã chuẩn bị nguồn lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật đầu tư để phát triển các ngành công nghiệp dịch vụ then chốt với hệ thống các khu chế xuất, khu công nghệ, khu công nghiệp, với mạng lưới hạ tầng thương mại dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay TP đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn. Trong đó có thách thức về đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển đô thị trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao khả năng cạnh tranh giữa các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và trên thế giới.
Từ hội thảo này, TP.HCM sẽ có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn để đề ra những chủ trương, giải pháp nhằm xây dựng TP trở thành đô thị thông minh, đổi mới, sáng tạo công nghệ, sớm trở thành trung tâm tài chính, trung tâm thương mại quốc tế, đưa các sản phẩm công nghiệp dịch vụ trọng yếu tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.