Nhiều dự án 'cú đấm thép' của quốc gia còn chậm, tiêu cực, lãng phí

(PLO)- Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhìn nhận tình trạng tiêu cực, lãng phí trong đầu tư các dự án lớn còn nhức nhối.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 28-7, Ban Kinh tế Trung ương, Thành ủy TP.HCM, Đại học Quốc gia TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Chủ trương và chính sách công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Chủ trì hội thảo có Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng và Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM Vũ Hải Quân.

Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: NGÔ TÙNG

Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: NGÔ TÙNG

Tiêu cực, lãng phí trong đầu tư còn nhức nhối

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, khẳng định hiện nay tư duy nhận thức về công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH, HĐH) của nước ta đã có sự thay đổi căn bản, bám sát thực tiễn đất nước, phù hợp quy luật khách quan của các quốc gia và xu hướng chung thế giới.

Tuy nhiên, GS Thắng nhìn nhận bao năm qua, Việt Nam tăng trưởng kinh tế tương đối cao nhưng thấp hơn so với tốc độ của các nước lân cận. Trong khi với tiềm năng hiện có, nước ta hoàn toàn có thể đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn.

“Mặc dù giai đoạn qua có thể tạo nhiều việc làm mới và thu nhập cho một bộ phận dân cư, giúp giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân nhưng quy mô của nền công nghiệp quốc gia còn nhỏ. Nếu tiếp tục duy trì tình trạng này thì Việt Nam không tránh khỏi vướng vào nấc thang thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu” – GS Thắng nói và nhìn nhận chiến lược CNH, HĐH đến nay nhiều nội dung vẫn chưa rõ trọng tâm, trọng điểm.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: NGÔ TÙNG

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: NGÔ TÙNG

Ông dẫn chứng các nghị quyết, chính sách bao gồm nhiều nội dung nhưng các giải pháp không cụ thể, không bố trí được nguồn lực rõ ràng, không cân đối phân bổ nên đôi khi đầu tư dàn trải, không hiệu quả.

“Chưa kể, những yếu kém trong doanh nghiệp như cải cách còn chậm. Các dự án lớn như cú đấm thép tạo ra sự thay đổi về năng lực công nghiệp quốc gia nhưng đôi khi còn chậm, không giải ra được. Tình trạng tiêu cực, lãng phí trong đầu tư các dự án lớn còn nhức nhối” – ông Thắng nhìn nhận.

Nguy cơ thiếu lao động trong quá trình CNH, HĐH

Theo GS Nguyễn Xuân Thắng, nước ta có chủ trương CNH, HĐH gắn với kinh tế tri thức nhưng có lúc chúng ta quá kì vọng vào năng lực khoa học công nghệ nội sinh, thiếu sáng tạo, tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến.

Ông kể: “Khi làm việc với các tập đoàn lớn liên quan đến ví điện tử, họ đều nhìn nhận năng lực, nguồn nhân lực của chúng ta còn hạn chế nên không vào”. Nhiều nơi còn có chính sách tạo ra ràng buộc, kể cả trách nhiệm của doanh nghiệp nước ngoài.

“Tôi hỏi một số tập đoàn doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam lý do khi vào đây chỉ nghĩ đến chuyện kinh doanh, hợp tác lâu dài nhưng không nghĩ làm sao cho các doanh nghiệp Việt Nam lớn cùng với mình” – ông Thắng nói và đánh giá điều này cho thấy sự thiếu ràng buộc pháp lý. Trong khi cần ràng buộc để cùng thắng, cùng có lợi ích chứ không phải chỉ ưu đãi để thu hút doanh nghiệp, lấp đầy các khu công nghiệp, rồi làm cho doanh nghiệp Việt Nam không lớn lên được.

Ông Thắng khẳng định nước ta có nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế, nhiều khu ven biển rất lớn nhưng chưa có khu nào tạo ra sức lan toả cho cả nước, cũng chưa coi đấy là cực tăng trưởng dựa trên sự phát triển công nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Ông cho rằng những khu vực này đang phân tán nhỏ lẻ, cục bộ, do đó khi khai thác tiềm năng lợi thế thì nội bộ cạnh tranh lẫn nhau. “Nếu phát triển CNH, HĐH như thế thì chúng ta tự làm yếu mình” – ông nói và nhìn nhận nhiều nơi quy hoạch thường xuyên bị phá vỡ, vi phạm, không chỉ phân tán đầu tư mà còn mất cân đối về nguồn cung, lao động. Ông lo lắng tới đây việc thiếu lao động sẽ là thách thức lớn đối với tiến trình CNH, HĐH của Việt Nam.

Giai đoạn 2011-2020, công nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân; gia tăng tỉ trọng của ngành công nghiệp trong nền kinh tế từ 26,6% năm 2011 đến 28,5% vào năm 2019.

Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM VŨ HẢI QUÂN

Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng cho biết trong điều kiện tác động của dịch COVID-19, chiến sự các nước, biến động xăng dầu, lương thực… đã gây ảnh hưởng đến CNH, HĐH nước ta. Bởi CNH, HĐN phải có thị trường, vốn, công nghệ. Ông đề xuất cần đánh giá ngay những tác động này.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cho biết Việt Nam đã tham gia vào nhiều hiệp định thương mại, có những cải thiện tốt về hạ tầng, thể chế; nước ta cũng kiểm soát ổn định tỉ giá, kinh tế vĩ mô tốt hơn nhiều nước.

Ông đặt vấn đề cần tận dụng những điều này, nhất là cuộc dịch chuyển lớn của các tập đoàn từ nước này sang nước khác. Ông đề xuất nên tiếp tục thu hút nguồn đầu tư chất lượng, thay vì chỉ tăng số lượng và gắn với chuyển đổi số, sáng tạo.

Đưa TP.HCM trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận trong hơn 35 năm lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta luôn xác định nhiệm vụ CNH, HĐH là động lực, nhiệm vụ then chốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là chìa khoá phát triển đất nước theo hướng hiện đại, rút ngắn khoảng cách với các quốc gia.

Tuy nhiên đến Đại hội XIII của Đảng thì quan điểm này đã được nâng lên tầm cao hơn.

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu khai mạc. Ảnh: NGÔ TÙNG

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu khai mạc. Ảnh: NGÔ TÙNG

Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, thời gian qua, TP.HCM đã chuẩn bị nguồn lực, cơ sở vật chất, kĩ thuật đầu tư để phát triển các ngành công nghiệp dịch vụ then chốt với hệ thống các khu chế xuất, khu công nghệ, khu công nghiệp, với mạng lưới hạ tầng thương mại dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó đưa TP.HCM trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục, đào tạo trên cả nước.

Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay TP đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức lớn. Trong đó có thách thức về đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển đô thị trên nền tảng khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, nâng cao khả năng cạnh tranh giữa các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và trên thế giới.

Từ hội thảo này, TP.HCM sẽ có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn để đề ra những chủ trương, giải pháp nhằm xây dựng TP trở thành đô thị thông minh, đổi mới, sáng tạo công nghệ, sớm trở thành trung tâm tài chính, trung tâm thương mại quốc tế, đưa các sản phẩm công nghiệp dịch vụ trọng yếu tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm