Phẫu thuật lấy dị vật trong tai bị ‘bỏ quên’ sau 7 năm

(PLO)- Bệnh nhân nữ 42 tuổi được chẩn đoán có dị vật bị bỏ quên trong tai dài 2,5cm sau một lần bị tai nạn do đũa đâm vào.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 17-10, Bệnh viện (BV) Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết thông tin về ca phẫu thuật cho nữ bệnh nhân có dị vật bị bỏ quên trong tai.

Bệnh nhân nữ TNHT (42 tuổi, ngụ TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) đến BV Tai Mũi Họng TP.HCM trong tình trạng chảy mủ tai, viêm tai, sưng nề, sức nghe kém.

BSCKII. Nguyễn Thanh Tùng, khoa Tai - Tai thần kinh, cho biết qua khai thác bệnh sử, năm 2016, trong lúc đi giao thức ăn bệnh nhân gặp tai nạn nên một chiếc đũa đâm vào trong tai.

di-vat-bo-quen.JPG
Bác sĩ BV Tai Mũi Họng TP.HCM thăm khám cho bệnh nhân có dị vật tai bị bỏ quên. Ảnh: VÕ THƠ

Bệnh nhân đã được BV tỉnh phẩu thuật lấy ra dị vật, tuy nhiên các BS thông báo vẫn còn một phần đũa chưa lấy hết. Các bác sĩ khuyên chị làm phẫu thuật nhưng vì tính chất công việc bận rộn và e ngại khi thực hiện phẫu thuật nên chị bỏ qua và tự mua thuốc về uống.

Gần đây, tai đau nhiều, tình trạng chảy mủ tai trái tái phát nhiều lần nên bệnh nhân đến BV Tai Mũi Họng TP khám. Qua kiểm tra, vành tai trái bệnh nhân bị nề đỏ, không đau, ống tai ngoài hẹp, không quan sát được màng nhĩ, tai trái nghe kém.

Sau khi được các BS chẩn đoán tai trái bệnh nhân có dị vật tai dài 2,5cm bị bỏ quên khoảng 7 năm. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật bằng phương pháp mở thượng nhĩ, thám sát hòm nhĩ để lấy dị vật ống tai ngoài và cắt lọc sẹo hẹp ống tai ngoài.

Theo BS Nguyễn Thanh Tùng, do dị vật bị bỏ quên trong tai quá lâu cộng với phần mô viêm của ống tai ngoài làm cho da bị hoại tử tạo nên sẹo hẹp gây khó khăn trong quá trình giải phẫu.

Sau khi mổ sức khỏe bệnh nhân ổn định, thính lực có cải thiện tuy nhiên vẫn chưa lấy lại như bình thường.

TS.BSCKII. Nguyễn Thanh Vinh - phó giám đốc BV cho biết, trường hợp dị vật bỏ quên trong tai như bệnh nhân này rất hiếm gặp. Do để dị vật quá lâu dẫn đến tai bị thủng màng nhĩ, gián đoạn chuỗi xương nên sức nghe giảm.

"Sau khi lấy dị vật, mô viêm, cắt lọc sẹo hẹp và điều trị nội khoa ổn định các bác sĩ sẽ phẫu thuật lần hai để chỉnh hình chuỗi xương con vá lại màng nhĩ nhằm tăng sức nghe cho bệnh nhân"- BS Vinh nói.

Ngoài ra, khi có triệu chứng đau tai, viêm sưng, chảy máu, chảy mủ tai kéo dài điều trị nội khoa không giảm, nghi ngờ có dị vật trong tai cần đến các bệnh viện có chuyên khoa tai mũi họng để thăm khám và chẩn đoán một cách chính xác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm