Phê duyệt quy hoạch Hà Nội mở rộng: Khơi thông nhiều dự án

Chiều 29-7, Bộ Xây dựng tổ chức công bố quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn đã trao đổi với báo chí về những vấn đề có liên quan đến bản quy hoạch.

Xây dựng trong hành lang xanh

. Với việc công bố quy hoạch này, hàng loạt dự án phải tạm dừng sau khi mở rộng Hà Nội sẽ được xử lý như thế nào, thưa ông?

+ Trước khi lập quy hoạch Hà Nội mở rộng, TP có trên 750 dự án phải tạm dừng. Khi lập quy hoạch, Bộ Xây dựng cũng đã xem xét đến các dự án này chứ không phải bắt đầu từ một tờ giấy trắng. Thời gian tới sẽ có những dự án phải điều chỉnh về quy mô, mật độ xây dựng cho phù hợp với quy hoạch mới. Cạnh đó, cũng có những dự án được tiếp tục thực hiện bình thường.

. Thưa Thứ trưởng, việc xây dựng trong hành lang xanh sẽ được thực hiện như thế nào?

+ Hành lang xanh không có nghĩa là không được xây dựng gì mà ở đó cần hạn chế mật độ xây dựng, nhà cao tầng. Các dự án trong hành lang xanh rất ít và TP sẽ phối hợp với các chủ đầu tư điều chỉnh những dự án đó cho phù hợp. Trong khu vực hành lang xanh sẽ có quy chế quản lý về xây dựng cho từng khu vực ở các quận, huyện: Hà Đông, Từ Liêm, Thanh Trì và Hoài Đức. Việc xây nhà của người dân dựa trên quy chế quản lý này.

Mô hình quy hoạch Hà Nội mở rộng trong ngày đầu tiên trưng bày tại Cung Triển lãm quốc gia. Ảnh: HOÀNG VÂN

Với các dự án nằm trong vành đai xanh sông Nhuệ, Thủ tướng đã có thông báo phân ra làm ba loại: Có những dự án đã và đang triển khai ở mức độ gần hoàn thiện; có những dự án chưa triển khai nhưng đã giải phóng mặt bằng, thực hiện nghĩa vụ tài chính; có những dự án chưa làm gì. Với mỗi loại đó, cách ứng xử là khác nhau. Việc triển khai các dự án trong vành đai sông Nhuệ phụ thuộc vào việc lập quy hoạch phân khu của TP sau này và có sự phối hợp với Bộ Xây dựng.

Xã hội hóa việc tạo nguồn vốn

. Trong quy hoạch có nội dung giãn dân ở khu vực trung tâm ra bên ngoài. Điều này là rất khó, thưa ông?

+ Việc di dân không thể bắt đi là được. Để giải được bài toán giãn dân thì phải có những khu ở mới hơn khu ở cũ, có cây xanh, mặt nước, như thế người ta mới đến. Hiện TP Hà Nội cũng đang thực hiện dự án di dân phố cổ thuộc quận trung tâm Hoàn Kiếm ra khu Việt Hưng thuộc quận Long Biên. Với những khu ở mới, nhà đầu tư nào có tiềm lực sẽ làm đến nơi đến chốn và sẽ thành công. Ví dụ, khu Phú Mỹ Hưng ở TP.HCM dù xa trung tâm TP nhưng vẫn có nhiều người tìm đến mua. Còn nếu hạ tầng kém như đường xấu, trường học thiếu… thì rõ ràng sẽ rất khó thu hút người dân.

. Vậy chúng ta sẽ lấy tiền từ nguồn nào để thực hiện quy hoạch lớn này, thưa ông?

+ Dùng tiền từ ngân sách nhà nước, vốn của nhà đầu tư và của chính người dân. Phải xã hội hóa việc tạo nguồn vốn để làm quy hoạch Hà Nội mở rộng. Tuy nhiên, việc khai thác nguồn vốn để làm quy hoạch này thuộc trách nhiệm của chính quyền.

. Liệu việc công bố quy hoạch này có tạo ra làn sóng đầu tư mới trên thị trường bất động sản Hà Nội, vốn đang khá ảm đạm?

+ Chắc chắn khi quy hoạch Hà Nội mở rộng được phê duyệt, công bố rộng rãi, việc đầu tư vào bất động sản sẽ có thay đổi lớn. Dựa vào quy hoạch chung, người ta có thể nắm rõ hơn rất nhiều thông tin về các khu vực đất đai mà họ có nhu cầu đầu tư. Những thứ trước đây vốn rất khó hình dung thì nay được thể hiện rõ ràng với mô hình, sa bàn, bản đồ. Từ đó nhà đầu tư sẽ có cái nhìn tổng quát và rõ ràng hơn để đưa ra sự lựa chọn của mình.

Cần giám sát chặt việc thực hiện quy hoạch

Để quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đi vào cuộc sống còn nhiều việc phải làm và còn không ít khó khăn đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn nữa. Vì vậy, tôi yêu cầu UBND TP Hà Nội cần khẩn trương phổ biến quy hoạch tới các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao thực hiện tốt quy hoạch.

TP cần sớm phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế chính sách để thực hiện quy hoạch. Cùng đó, tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trên toàn địa bàn TP, ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị. Đặc biệt, cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch này.

Thủ tướng NGUYỄN TẤN DŨNG

Quy hoạch thủ đô không phải là tư duy nhiệm kỳ

Bên lề hành lang Quốc hội sáng 29-7, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã trao đổi với báo chí về quy hoạch chung Hà Nội vừa được phê duyệt.

. Hà Nội đã nhiều lần làm quy hoạch và đã sửa đổi nhiều lần. Liệu đồ án này có mang tính nhiệm kỳ không, thưa ông?

+ Đây là quy hoạch phát triển tới năm 2030, tầm nhìn 2050, có nghĩa là 40 năm chứ không phải tư duy nhiệm kỳ. Tuy nhiên, những người xây dựng, phê duyệt quy hoạch hôm nay có khi chưa lường hết được tốc độ phát triển kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ của 20 năm sau thế nào nên tương lai có thể phải điều chỉnh. Sự điều chỉnh này không phải tùy tiện mà do khách quan.

. So với dự thảo trước đây, việc dự trữ đất ở Ba Vì không được thực hiện. Vì sao lại có sự thay đổi này?

+ Đó là sự tiếp thu rất cần thiết. Thực ra ý tưởng ban đầu của những người đề xuất là sẽ có một số cơ quan hành chính được di dời lên Ba Vì. Nhưng qua ý kiến của các nhà khoa học, cũng như của các vị đại biểu Quốc hội khóa 12 cho thấy không thể tách rời trung tâm chính trị và trung tâm hành chính được. Do đó, chúng ta đã thay đổi bằng cách di dời một số bộ, ngành ra khu vực Mỹ Đình và Hồ Tây, chứ không phải là Ba Vì nữa.

. Cái khó khăn nhất hiện nay trong việc thực hiện đồ án quy hoạch là gì?

+ Khó khăn trước mắt là phải rà soát điều chỉnh trên 750 dự án, vì có cái đã có chủ trương nghiên cứu, có cái phê duyệt. Giờ phải xem cái nào đã phù hợp, cái nào chưa phù hợp để điều chỉnh. Thậm chí có dự án định làm chỗ này, giờ không phù hợp nên không được làm nữa. Đây là cái khó và chúng ta phải cố gắng giải quyết cho phù hợp.

THÀNH VĂN ghi

HOÀNG VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới