Từ tối 27-11, trên mạng xã hội đã có những chia sẻ, bàn luận liên quan đến bằng Tiến sĩ của NSND Bạch Tuyết.
Dân mạng đặt dấu hỏi về bằng Tiến sĩ của NSND Bạch Tuyết
Theo đó, một tài khoản cá nhân đã chia sẻ một bài báo với tựa đề “Nữ tiến sĩ là NSND, từng lấy chồng tỷ phú: "Nghệ sĩ mà học vấn không bằng sự nổi tiếng là một bi kịch”". Tài khoản cá nhân này có dòng trạng thái đi kèm cho rằng không tìm thấy tên trường như trong bài báo đăng, không tin NS Bạch Tuyết có bằng tiến sĩ thật của Anh cấp.
Không chỉ vậy, mạng xã hội còn lan truyền thông tin không tìm thấy tên nữ nghệ sĩ trong danh sách cựu sinh viên của RADA (Học viện Kịch nghệ Hoàng gia - PV).
Đồng thời, có người cho rằng có thể tấm bằng NSND Bạch Tuyết nhận chỉ là một dạng giấy chứng nhận khen thưởng thông thường, chứ không phải tấm bằng học vị như nhiều người lầm tưởng.
Phía NSND Bạch Tuyết phản hồi: Bằng Tiến sĩ là thật!
Trước những thông tin trên, PLO đã liên hệ với phía NSND Bạch Tuyết vào tối 28-11 và nhận được phản hồi về câu chuyện này.
Theo đó, đại diện của phía NSND Bạch Tuyết khẳng định việc học cũng như được cấp bằng của nữ nghệ sĩ hoàn toàn là có thật.
Cụ thể, từ năm 1991-1995, NS Bạch Tuyết được chấp thuận vào học tại Royal Academy of Dramatic Art.
Tháng 10-1995, NS Bạch Tuyết bảo vệ luận án "Sự thích nghi của nghệ thuật sân khấu dân tộc cổ truyền của các quốc gia Đông Nam Á".
"Sau gần quá trình theo học, với 10 bộ môn và đạt tổng số giờ học, luyện tập theo yêu cầu là 124 tín chỉ (trong lần xuất bản đầu, bài viết ghi là 124 giờ do có sự nhầm lẫn), tháng 10/1995, NS Bạch Tuyết bảo vệ luận án “Sự thích nghi của nghệ thuật sân khấu dân tộc cổ truyền của các quốc gia Đông Nam Á” và được Hội đồng chấm luận án thông qua" – đại diện của NSND Bạch Tuyết cho hay.
Nói về quá trình theo học, sau khi học, NSND Bạch Tuyết đều có đến báo cáo cũng như nhận được sự quan tâm của Đại sứ quán Việt Nam tại Luân Đôn.
"Sau khi NS Bạch Tuyết hoàn thành bảo vệ luận án, Đại sứ quán Việt Nam tại Luân Đôn đã có công văn gửi về báo cáo Bộ Văn hóa và Thành ủy TP.HCM, xác nhận “Trong thời gian ở Luân Đôn, chị (tức NS Bạch Tuyết) có liên hệ thường xuyên với Đại sứ quán, nghiên cứu nghiêm túc và quan hệ tốt với nhà trường" – phía NSND Bạch Tuyết cho hay.
Văn bằng do Viện trưởng Viện Hàn lâm kịch nghệ Anh, Nicolas Barter ký công nhận về luận án tiến sĩ cho Nguyễn Thị Bạch Tuyết.
Vì đồng bảo vệ luận án ở cả Viện Sân khấu và Điện ảnh quốc gia Sofia nên Viện này đã trao bằng Tiến sĩ (số 24248) vào ngày 15-8-1996 cho NS Bạch Tuyết.
Theo phía NS Bạch Tuyết, ngày 31- 10 -1995, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh, Bungaria có công văn báo cáo cho Bộ Văn hóa Thể thao và Thành ủy TP.HCM xác nhận NS Bạch Tuyết đã bảo vệ luận án nói trên và được các thành viên của Học viện Hàn lâm Kịch nghệ Anh (và Sofia, Bungaria) đánh giá cao.
Theo phía NSND Bạch Tuyết, việc nỗ lực theo học 1 chương trình nghệ thuật ở Viện Hàn lâm kịch nghệ có uy tín ở nước ngoài, đối với một nghệ sĩ dân tộc không ngoài mục tiêu để hiểu hơn và phát huy vốn quý của loại hình sân khấu cải lương nói riêng, văn hóa dân tộc nói chung với công chúng mọi miền. Từ đó, có thể làm giàu thêm nguồn sáng tạo, làm mới nghệ thuật cải lương theo đúng tinh thần của loại hình sân khấu phương Nam này.
"Từ một bài viết của một cá nhân để xảy ra vụ việc ồn ào như trên, chúng tôi cũng đành chịu, không biết giải thích gì thêm. Chúng tôi đã cung cấp giấy tờ, bằng chứng, còn việc tin hay không là của dư luận" - đại diện NSND Bạch Tuyết nói.
NSND Bạch Tuyết được giới thiệu tên đầy đủ là Nguyễn Thị Bạch Tuyết, là nghệ sĩ Việt Nam gắn liền với nghệ thuật cải lương.
Bà đã lấy bằng tiến sĩ vào năm 1995, được phong tặng danh hiệu NSND khi ở tuổi hơn 60.
Ở tuổi U80, NSND Bạch Tuyết vẫn hoạt động nghệ thuật miệt mài. Bà thực hiện nhiều sản phẩm âm nhạc, kết hợp cùng các ca sĩ trẻ.
Nữ nghệ sĩ cũng ra mắt Học viện cải lương với mong muốn đào tạo những gương mặt và tác phẩm mới cho lĩnh vực truyền thống này.
Hồi đầu năm, NSND Bạch Tuyết được vinh danh trong top 50 phụ nữ châu Á có tầm ảnh hưởng lớn do tạp chí Forbes bầu chọn.