Phim giang hồ, mạng xã hội... kích động bạo lực ở người trẻ

Sáng 15-4, tại báo Thanh Niên đã diễn ra toạ đàm trực tuyến 'Thực trạng và giải pháp ngăn chặn nguy cơ người trẻ phạm tội'.

toa-dam-bao-thanh-nien

Nhà báo Nguyễn Quang Thông, Tổng Biên tập báo Thanh Niên, phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: LÊ THOA

Phát biểu khai mạc, nhà báo Nguyễn Quang Thông, Tổng Biên tập báo Thanh Niên, cho biết thời gian qua có nhiều vụ phạm pháp hình sự xảy ra mà cả nghi phạm và nạn nhân là những người còn rất trẻ, khiến dư luận lo ngại.

Những vụ bạo lực học đường đã mang dáng dấp băng nhóm, gây hậu quả đau lòng.

“Đặc biệt, trong thời buổi công nghệ, nhiều hành vi vi phạm pháp luật của người trẻ do tương tác trên mạng xã hội, từ tác động của một số thành viên không tốt trên mạng, rồi xúc phạm, thù ghét cá nhân,… dẫn đến người trẻ cư xử bạo lực, vi phạm pháp luật” – ông Thông nói.

Tại toạ đàm, Thiếu tá Trịnh Khánh Hùng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP.HCM, cho biết từ năm 2018 đến ngày 14-3-2021, Công an TP.HCM ghi nhận 516 vụ phạm pháp hình sự do 884 người dưới 18 tuổi thực hiện.

toa-dam-bao-thanh-nien

Thiếu tá Trịnh Khánh Hùng, Phó Trưởng phòng PC02 TP.HCM nói về các vụ phạm pháp hình sự của trẻ dưới 18 tuổi. Ảnh: LÊ THOA

Các vi phạm chủ yếu là giết người, cướp tài sản, hiếp dâm, cố ý gây thương tích, trộm cắp, cướp giật tài sản, gây rối trật tự công cộng, mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma tuý... Trong đó, số em đã bỏ học chiếm hơn 71%, số lần vi phạm hoặc bị xử phạt hành chính lần đầu chiếm đến hơn 93%.

Riêng trong quý I-2021, toàn TP có 52 vụ phạm pháp hình sự do người dưới 18 tuổi thực hiện. Công an TP đã bắt, xử lý 110 người, chủ yếu là học sinh cấp 2.

Theo Thiếu tá Hùng, nguyên nhân của việc người trẻ dưới 18 tuổi phạm tội là do trong gia đình có điều kiện kinh tế thì bố mẹ bận rộn với các mối quan hệ xã hội; trong gia đình khó khăn thì bố mẹ phải mưu sinh kiếm sống, không dành thời gian quan tâm con cái. Vì vậy, phụ huynh không phát hiện con mình bỏ học, bị người xấu lôi kéo lợi dụng, sử dụng ma tuý.

Thiếu tá Hùng cũng cho rằng phim ảnh, phương tiện giải trí “nghe nhìn”, internet, mạng xã hội đã có tác động trực tiếp đến hành vi trẻ em. Đặc biệt, sự phát triển của mạng xã hội làm xuất hiện các ‘nhóm kín’ lôi kéo trẻ em tham gia; khi có việc cần huy động lực lượng thì nhanh chóng tập hợp kéo thành từng nhóm đi gây án.

“Nhận thức của người dưới 18 tuổi khi vi phạm pháp luật là do thiếu ý thức hoặc nhận thức không đầy đủ về pháp luật nên dễ bị lôi kéo" - Thiếu tá Hùng nói.

Nhắc lại vụ băng nhóm áo cam gây rối ở quán ốc tại quận Bình Tân hôm 5-6-2020, Thiếu tá Hùng cho biết PC02 đã triệu tập trên 150 người, khởi tố vụ án, khởi tố 90 bị can với các tội cố ý gây thương tích, huỷ hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng. Công an TP đang tiếp tục truy nã trên 30 người.

toa-dam-bao-thanh-nien

Tiến sĩ Đoàn Văn Báu, chuyên gia tâm lý tội phạm, phân tích nguyên nhân phạm tội của người trẻ. Ảnh: LÊ THOA

Tiến sĩ (TS) Đoàn Văn Báu, chuyên gia tâm lý tội phạm, cũng nhìn nhận những năm gần đây, tội phạm trẻ hoá ngày càng phổ biến. Những người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi phạm pháp ngày càng nghiêm trọng.

“Trước đây chủ yếu là gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, thì nay xuất hiện tội phạm công nghệ cao, xâm phạm an ninh quốc gia có cả người dưới 18 tuổi làm” – TS Báu nói.

Theo TS Báu, việc thực hiện phạm tội ‘hình như rất dễ dàng đối với các em’ và nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ tâm lý lứa tuổi. Trong khi đó hiện nay Bộ GD&ĐT chưa có một bộ sách nào về kỹ năng sống, để các em nhận biết được đâu là hành vi phạm tội.

Ông cũng cho rằng việc gia tăng phạm pháp từ người trẻ có nguyên nhân là bị ảnh hưởng của mạng xã hội. Theo đó, việc xuất hiện các phim ‘xã hội đen’, nghệ sĩ đi làm phim giang hồ đã gây kích động đến người trẻ.

“Những phim về ‘chị mười ba’, ‘anh vi cá’ đều nhuốm màu bạo lực, kích động... Nghệ sĩ thì đi làm giang hồ, giang hồ lại đi làm nghệ sĩ… Không có xã hội nào mà Huấn Hoa Hồng nói câu nào giới trẻ nghe câu nấy, được tôn là thầy” – TS Báu nói.

TS Đoàn Văn Báu cũng cho rằng người trẻ rất dễ bị lôi kéo, rủ kê, lấy “số” với nhau. TS Báu lo lắng: “Một đứa trẻ từng đi trường giáo dưỡng về thì không mắc cỡ mà rất tự hào vì "có số"; có tiền án tiền sự lại được nhiều bạn trẻ nể phục. Cứ như vậy lấn dần vào hành vi phạm tội”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm