Xuất hiện việc mua bán nam giới, học sinh, sinh viên

Báo cáo tổng kết 9 năm thi hành Luật phòng chống mua bán người (2012 đến 8-2020) UBND TP.HCM cho biết Liên hợp quốc xác định tội phạm mua bán người là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất thế giới, được đưa vào Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu.  

Tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương nói chung và các nước Tiểu vùng sông Mê Kông nói riêng, trong đó có Việt Nam, hoạt động tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em sẽ tiếp tục diễn ra.

 Sáng 9-9-2014, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Hà Tĩnh bắt giữ Lữ Thị Hồng (29 tuổi, Nghệ An) đang tìm cách sang Lào để trốn lệnh truy nã tội mua bán người. Ảnh: PLO

Theo báo cáo, phần lớn các vụ mua bán người đều do các đường dây tội phạm thực hiện, có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong và ngoài nước. Họ có nhiều thủ đoạn như hứa hẹn việc làm, môi giới hôn nhân, cho nhận con nuôi...

Thời gian gần đây, còn xuất hiện những vụ mua bán nam giới, học sinh, sinh viên, trẻ trong bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê... Tuy nhiên, theo báo cáo UBND TP.HCM, để xử lý tội phạm này gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, để khởi tố được một vụ án mua bán người, theo quan điểm của Viện kiểm sát TP.HCM cần chứng minh được các yếu tố có người mua, người bán. Hay có các yếu tố lừa gạt, dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, có giao nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; có xảy ra một trong các hậu quả bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.

Trong công tác điều tra các vụ việc mua bán người ra nước ngoài gặp nhiều khó khăn do nạn nhân không biết lai lịch tội phạm, quen trên mạng xã hội...

Thực tế, nhiều trường hợp chỉ có lời khai của nạn nhân, người trung gian giới thiệu, người tuyển lựa, không có đối tượng tổ chức cầm đầu nên gây khó khăn cho công tác xử lý hình sự.

Đặc biệt, phần lớn hoạt động mua bán người diễn ra ở nước ngoài và nạn nhân cũng ở nước ngoài nên không thể trực tiếp lấy lời khai, mất nhiều chi phí cho hoạt động điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ.

Trong khi đó để xử lý các đối tượng liên quan phải xác định nạn nhân cụ thể và hành vi của đối tượng phải đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Việc trao đổi thông tin với nước ngoài đề nghị xác minh nạn nhân hoặc đối tượng khó thực hiện do việc chưa ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp. Kết quả trả lời xác minh từ nước ngoài mất nhiều thời gian, đôi khi lại cung cấp không đúng và phù hợp với yêu cầu điều tra.

Ngoài ra, việc xác định thiệt hại giá trị vụ lợi rất khó. Đặc biệt là trong trường hợp người mua bán người ở nước ngoài thì Cơ quan điều tra chỉ có thể căn cứ vào lời khai của nạn nhân để xác định nên có giá trị chứng minh thấp.

Thêm nữa, đa phần phụ nữ bị lừa bán ra nước ngoài vì mục đích mại dâm, bóc lột tình dục... Khi trốn về nước, nạn nhân không dám tố cáo hoặc khai báo sai sự thật dẫn đến công tác phát hiện, đấu tranh còn gặp nhiều khó khăn.

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, một số quy định của pháp luật liên quan đến phòng, chống mua bán người còn chưa thực sự hợp lý. Cụ thể, Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về việc cho nhận con nuôi nhưng vì mục đích nhân đạo (do hiếm muộn hoặc có lòng yêu trẻ) thì người môi giới cho nhận con nuôi dù có nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tội phạm trong thời gian tới có thể lợi dụng, núp bóng danh nghĩa này để trục lợi thông qua việc môi giới cho nhận con nuôi sẽ gây khó khăn cho lực lượng Công an trong việc điều tra, chứng minh hành vi mua bán trẻ em.

Ngoài ra, tại Nghị định số 09/2013 của Chính phủ quy định thủ tục thực hiện hỗ trợ học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu cho nạn nhân. Quy định này gây khó khăn trong quá trình thực hiện vì qua nhiều thủ tục, mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân  không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay (tối thiểu là 1 triệu đồng/người).

Tăng cường hợp tác lực lượng chức năng nước bạn

Theo báo cáo tổng kết 9 năm thi hành Luật phòng chống mua bán người, UBND TP đề nghị Bộ Công an có hướng dẫn công an địa phương cách thức phối hợp, thu thập tài liệu chứng cứ để xứ lý được đối tượng. Bên cạnh đó, tăng cường hiệu quả các đường dây nóng, các kênh liên lạc, phối hợp trực tiếp để các địa phương kịp thời trao đổi thông tin, xác minh đối tượng, giải cứu nạn nhân kịp thời, thuận lợi, có hiệu quả.

Tăng cường hợp tác với các lực lượng chức năng của các nước bạn, nhất là các quốc gia có chung đường biên giới với Việt Nam để đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người. Đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả các điều ước quốc tế đa phương về tội phạm mua bán người. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm