Bộ phim A Hard Day’s Night (tạm dịch: Đêm của một ngày vất vả) nắm bắt những khoảnh khắc lạ lùng của The Beatles khi họ chính thức trở thành thần tượng của cả một thế hệ và thay đổi lịch sử âm nhạc mãi mãi. Phim sẽ được khởi chiếu lại trên toàn thế giới kể từ ngày 4-7.
Âm nhạc hoàn hảo lót đường
Âm nhạc trong phim A Hard Day’s Night được lấy từ album thứ ba cùng tên phát hành cùng thời điểm và hầu hết đều được sáng tác bởi bộ đôi John Lennon - Paul McCartney. Các ca khúc Can’t Buy Me Love, And I Love Her, A Hard Day’s Night, I Should Have Known Better,… vang lên qua những trường đoạn đáng nhớ trên hành trình từ Liverpool tới buổi ghi hình ở London của nhóm. Tạp chí âm nhạc Rolling Stone đưa nhạc phim của A Hard Day’s Night vào danh sách 25 nhạc phim xuất sắc nhất mọi thời đại. Khác với phần lớn phim âm nhạc, The Beatles đã thể hiện các ca khúc của họ trước ống kính trực tiếp. Những màn trình diễn trong phim không hề màu mè, rườm rà như của Hollywood mà đơn giản, chỉ là The Beatles với những vũ khí của riêng họ, cầm micro lên và hát. Riêng với album, A Hard Day’s Night giành được hầu hết tín nhiệm của giới chuyên môn với điểm số gần như tuyệt đối. Các ca khúc của nhóm được khán giả nhớ đến ngày nay đều có mặt trong album này.
Bộ phim A Hard Day’s Night mang một cái gì đó khác biệt, một cái gì đó rất... Beatles mà sau này không ai có thể lặp lại được.
Những giá trị kinh điển
Ý tưởng của A Hard Day’s Night là The Beatles trở thành tù nhân của chính sự nổi tiếng mà họ có được. Vào thời điểm hoàng kim, những lịch trình biểu diễn triền miên và ghi âm phòng thu giống như sự “trừng phạt” với bốn chàng trai trẻ. Từ Liverpool di chuyển bằng tàu hỏa tới London để đến được buổi ghi hình như đúng hẹn, John Lennon, Paul McCartney, George Harrison và Ringo Starr trải qua nhiều sự cố do người ông tinh quái lập dị của Paul gây ra cộng với tính cách ham vui của nhóm. Với một cốt truyện độc đáo này, kịch bản phim đã được đề cử cho giải Oscar.
Để có được một chút tự do thoải mái, The Beatles trốn khỏi buổi họp báo, ương bướng trước sự chỉ đạo sắp xếp của người quản lý hay tranh thủ từng giây phút nghỉ ngơi để được sống tự do như chính con người họ. Không một lần cái tên Beatles được nhắc đến trong phim, đạo diễn Richard Lester đã khéo léo để khán giả chứng kiến từng tính cách đặc trưng của bộ tứ: John láu cá xảo quyệt, Paul như một chàng trai trẻ con, George khôn ngoan còn Ringo nhạy cảm, ham đọc sách. Không giống như những bộ phim của các ca sĩ, nhóm nhạc cùng thời, A Hard Day’s Night được coi như một tác phẩm điện ảnh thực sự với sự thể hiện “phim mà như thật” của The Beatles bằng chất liệu âm nhạc.
Một điểm sáng quan trọng không thể không nhắc đến chính là yếu tố hài hước đậm chất Anh mang đến phong cách vui vẻ xuyên suốt bộ phim. Ngay từ cái tên phim được lấy từ một câu nói bị coi “bất bình thường” của Ringo, những trường đoạn trêu đùa tinh nghịch của bốn chàng trai, đặc biệt là John vẫn còn được nhắc lại cho tới ngày nay. Một trong số đó là trường đoạn một vũ công bất ngờ gặp John ngoài đời, cô không hề nhắc đến tên anh mà chỉ ấp úng: “Trông anh không giống như “người ấy” (ám chỉ John)”. Câu thoại này khiến người hâm mộ cũng phải thừa nhận đó là sự thật. Giới chuyên môn nhận xét A Hard Day’s Night không chỉ nói về The Beatles mà đó là tinh thần của lớp trẻ thanh niên thập niên 60 vui vẻ, hài hước và đầy sức sống. Hay như những nhà phê bình của trang Rotten Tomatoes tóm gọn lại: “Bất chấp thời gian, A Hard Day’s Night vẫn là một bộ phim vui nhộn để thưởng thức. Bản thân nó đã chứng tỏ được là bộ phim rock’n’roll kinh điển”.
THÚY HOA
Định nghĩa mới cho dòng phim âm nhạc Các nhà phê bình điện ảnh thế giới đều thống nhất A Hard Day’s Night thực sự đã đem đến một định nghĩa mới cho dòng phim âm nhạc tại thời điểm những năm 1960 và là một trong những tác phẩm điện ảnh thú vị nhất mọi thời đại. Chính The Beatles về sau cũng có một vài bộ phim khác như Help, Magical Mystery Tour, Let It Be… nhưng đều không thể vượt qua được cái bóng của A Hard Day’s Night. Có lẽ sự thành công của bộ phim một phần nào đến từ sự nổi tiếng của The Beatles lúc đó, khi mà cả thế giới chao đảo phát cuồng trước “trận sóng thần” The Beatles. |