Phố ẩm thực Phan Xích Long: Độc đáo “trên bến, dưới thuyền”

(PLO)- Các sở, ngành, chuyên gia cho rằng phố ẩm thực Phan Xích Long kết hợp với bến du thuyền trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ trở thành điểm đến ấn tượng của TP.HCM.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo đề xuất của UBND quận Phú Nhuận (TP.HCM), khu vực phố ẩm thực Phan Xích Long nằm trên trục đường Phan Xích Long, đường dẫn vào khu dân cư Rạch Miễu (địa bàn các phường 1, 2, 7, quận Phú Nhuận). Khu vực phố ẩm thực sẽ chủ yếu hoạt động kinh doanh ẩm thực kết hợp phục vụ người dân và du khách.

Sẽ trở thành phố ẩm thực hấp dẫn

Theo UBND quận Phú Nhuận, dự kiến khu phố ẩm thực Phan Xích Long có cổng chào chính nằm ở nút giao đường Phan Xích Long - Phan Đăng Lưu. Các cổng phụ sẽ nằm tại ngã ba đường Trường Sa - Hoa Phượng.

UBND quận Phú Nhuận đề xuất làm phố ẩm thực Phan Xích Long kết hợp bến du thuyền kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: Đ.TRANG

UBND quận Phú Nhuận đề xuất làm phố ẩm thực Phan Xích Long kết hợp bến du thuyền kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: Đ.TRANG

Đặc biệt, khu phố ẩm thực này sẽ kết hợp với một bến du thuyền du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Du khách tới đây sẽ được phục vụ ca nô du lịch và thuyền chèo tay. Khách đến phố ẩm thực sẽ được đưa đón, kết nối từ điểm để xe đến nhà hàng, tham quan nội bộ khu phố ấm thực.

UBND quận Phú Nhuận cho biết thêm khu vực bãi đậu xe sẽ sử dụng phần vỉa hè trước cửa hàng, doanh nghiệp, hộ kinh doanh làm điểm giữ xe hai bánh. Đồng thời, bố trí một điểm đậu ô tô có thu phí trên đường Hoa Phượng và đầu tư hệ thống tháo đậu ô tô lắp ghép.

Theo Sở Công Thương TP.HCM, dự kiến nguồn kinh phí triển khai phố đi bộ là 31 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước khoảng 1,7 tỉ đồng, doanh nghiệp và người dân tham gia hơn 10,7 tỉ đồng, doanh nghiệp hợp tác đầu tư khai thác là 11,5 tỉ đồng. Sở Công Thương cũng đưa ra đề xuất vận hành thường niên là 500 triệu đồng/năm.

Khi phố ẩm thực Phan Xích Long được hoạt động sẽ kết nối, du khách sẽ được tham quan giữa hai bến thuyền hiện hữu (quận 1 và quận 3) để mua sắm, thưởng thức ẩm thực.

Sở Công Thương cũng tính toán đến việc mở rộng kết nối với tuyến du lịch đường thủy từ quận Phú Nhuận đi các điểm tham quan về đêm trên sông Sài Gòn, cầu Phú Mỹ và khu vực Tân Cảng.

Cốt lõi của đề án phố ẩm thực Phan Xích Long là làm sao để vừa phát triển, vừa không làm ảnh hưởng giao thông đặc biệt là trục Trường Sa, Hoàng Sa. Tuy nhiên, TP cần tính toán làm sao để giao thông an toàn, ổn định, tránh kẹt xe. Đồng thời, cần tính toán đến khu vực đậu xe, nhà xe lắp ráp cao tầng.

TSKH NGÔ VIẾT NAM SƠN,

chuyên gia quy hoạch đô thị

Đánh giá cao mô hình phố ẩm thực

Sở Công Thương TP.HCM đánh giá: Đề án phố ẩm thực Phan Xích Long nếu được thực hiện sẽ khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của quận Phú Nhuận.

Phố ẩm thực này sẽ tạo ra không gian giải trí, tham quan, vui chơi, mua sắm cho người dân trên địa bàn và du khách. Từ đó, đẩy mạnh hoạt động du lịch, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế ban đêm của TP.

Đặc biệt, đề án này sẽ làm tăng kết nối quận Phú Nhuận với các địa phương khác, làm phong phú thêm sản phẩm của tuyến du lịch đường thủy Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Trên cơ sở đó sẽ lan tỏa các hoạt động kinh doanh, phát triển các dịch vụ khác.

Sở Công Thương kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận triển khai đề án phố ẩm thực tại quận Phú Nhuận. Đặc biệt, khu vực ăn uống, kinh doanh phải thực hiện đầy đủ các điều kiện, quy định về an toàn thực phẩm, xử lý rác thải, môi trường… Đồng thời, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong quá trình chế biến, kinh doanh ăn uống.

Ông Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch TP.HCM, cho biết đề án xây dựng khu phố ẩm thực kết hợp với bến du thuyền trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là ý tưởng rất tốt.

“Chúng tôi cũng đã nghiên cứu và dẫn nhiều đoàn khách về khu phố ẩm thực Phan Xích Long và họ rất thích khu phố ẩm thực này. Tại đây, du khách có nhiều cơ hội lựa chọn với nhiều món ăn hấp dẫn và đặc sắc” - ông Minh nói.

Ông Minh đánh giá khu phố ẩm thực Phan Xích Long rất gần với khu vực sân bay, lại là mô hình độc đáo với “trên bến, dưới thuyền” sẽ mang đến trải nghiệm hấp dẫn cho du khách quốc tế và trong nước.

“Tuy nhiên, hiện nay các khu phố đi bộ, ẩm thực ở TP.HCM còn thiếu sự gắn kết, thiếu thông điệp và thiếu sự đồng bộ. Theo đó, khi xây dựng các khu phố ẩm thực, khu vực trên bến, dưới thuyền cần có sự “chuyển cảnh” để du khách khi tới TP.HCM có thể thụ hưởng được các sản phẩm du lịch hấp dẫn này” - ông Minh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Kim Toản, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thường Nhật (đơn vị khai thác buýt sông số 1), cho rằng đề án xây dựng phố ẩm thực và bến du thuyền là một điểm mới mẻ. Theo đó, TP cần “sửa soạn” để mang đến một khu ẩm thực, tạo điểm đến hấp dẫn cho TP.

“Lâu nay các sản phẩm du lịch của TP vẫn mang tính tự phát. Theo đó, chúng ta cần sắp xếp khoa học, có tổ chức để mang đến hiệu quả thiết thực. Chúng ta cũng tính toán đến vấn đề tĩnh không cầu để mở cửa cho nhiều sản phẩm du lịch kết nối với khu phố ẩm thực này” - ông Nguyễn Kim Toản chia sẻ.•

Tạo trải nghiệm phong phú cho người dân

Sở Du lịch TP.HCM đánh giá cao đề xuất của UBND quận Phú Nhuận về việc xây dựng phố ẩm thực Phan Xích Long.

Theo Sở Du lịch, đây sẽ là điểm nhấn mới, mang lại trải nghiệm phong phú cho người dân TP và khách du lịch khi có sự kết hợp với phố ẩm thực, với các hoạt động phụ trợ khách như xe điện, ca nô du lịch, thuyền chèo tay…

Sở Du lịch sẽ hỗ trợ thực hiện như quảng bá, kết nối du lịch đường thủy tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè với khu ẩm thực, vận động tập huấn, cấp biển hiệu đạt chuẩn khách du lịch.

Tương tự, Sở GTVT TP cũng ủng hộ đề án xây dựng khu phố ẩm thực Phan Xích Long, tuy nhiên sở này cho rằng cần tính toán để không làm ùn tắc giao thông trong khu vực.

Sở này cũng đề nghị không hoạt động kinh doanh ở một số khu, tuyến đường có tính chất liên quận như đường Trường Sa, Phan Xích Long để không làm ảnh hưởng đến giao thông TP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm