Sáng 22-2, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết năm năm thực hiện Chỉ thị 20 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”.
Các đại biểu tham dự hội nghị đã có những đề xuất để công tác này được thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Trao tặng bằng khen cho 26 tập thể và 21 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. Ảnh: THANH TUYỀN |
Xây dựng kho dữ liệu lịch sử Đảng chung
Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Phúc Toàn, Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM nhận định, TP.HCM có thực tiễn phong phú, nhiều mô hình đột phá nên việc nghiên cứu lịch sử Đảng tại TP.HCM có ý nghĩa quan trọng trong việc tổng kết thực tiễn, bổ sung lý luận cho kho tàng nghệ thuật lãnh đạo của Đảng.
Góp ý kiến cho công tác nghiên cứu, biên soạn, ông Toàn cho rằng TP cần tiến tới thực hiện dữ liệu số, thư viện số; xây dựng kho dữ liệu lịch sử Đảng nói riêng và lịch sử địa phương nói chung ở cấp độ TP và cấp quận.
Theo ông, ký ức của các nhân chứng là nguồn tài liệu quý giá, giúp bổ sung các chi tiết nằm ngoài nguồn sử liệu chữ viết. "Nguồn tài liệu này nếu không được thu thập, xử lý sớm sẽ mai một, mất đi theo thời gian, không thể nào khôi phục được" - ông Toàn nói và gợi mở có thể xây dựng chương trình ký ức nhân chứng, thu thập tư liệu ký ức của các nhân chứng lịch sử dưới dạng băng ghi âm, ghi hình phục vụ cho công tác biên soạn.
TS Bùi Thị Ngọc Trang, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, kiến nghị ở góc độ giảng dạy, cần tăng thời lượng môn lịch sử Đảng trong chương trình giảng dạy sinh viên. Trong đó, chú trọng kết hợp để tổ chức các chuyến đi thực tế, tham quan các bảo tàng, khu di tích, địa chỉ đỏ tại TP và các tỉnh lân cận, góp phần thực hiện tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên, học viên.
TS Trang cũng đề xuất Ban Tuyên giáo Trung ương nhanh chóng hoàn thiện việc bổ sung phát hành tập tài liệu phục vụ chương trình sơ cấp lý luận chính trị để đảm bảo cập nhật kiến thức cho học viên.
Để lịch sử Đảng đến gần hơn với giới trẻ
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, kết quả mà các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị- xã hội trong công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng.
Từ năm 2018 đến nay, Thành ủy TP đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn nhiều công trình lịch sử Đảng, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân biên soạn các ấn phẩm lịch sử với 203 công trình. Trong đó, có 59 công trình cấp TP.
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải kết luận hội nghị. Ảnh: THANH TUYỀN |
“Mỗi công trình, ấn phẩm sách đều có ý nghĩa lớn về mặt khoa học và thực tiễn, có giá trị tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng; tổng kết những kinh nghiệm mang giá trị thực tiễn đáp ứng được mục đích, yêu cầu mà Chỉ thị đặt ra” - Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM đánh giá.
Dù vậy, việc thực hiện Chỉ thị 20 vẫn còn một số hạn chế. Việc bố trí đội ngũ cán bộ có chuyên môn lịch sử Đảng còn hạn chế, hầu hết là cán bộ kiêm nhiệm nhiều mảng công tác.
Ông Nguyễn Hồ Hải cho biết trong số 22 quận, huyện, TP Thủ Đức chỉ có sáu nơi bố trí được cán bộ đúng chuyên môn.
Tại một số cơ quan, đơn vị, nguồn tư liệu, hiện vật lịch sử ít, việc lưu trữ còn hạn chế nên chậm triển khai viết lịch sử truyền thống địa phương. Việc số hóa tư liệu, ứng dụng công nghệ thông tin để đa dạng sản phẩm, tạo sự hấp dẫn đối với các đối tượng cần tuyên truyền, người trẻ chưa được quan tâm đầu tư.
Tới đây, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu các cấp ủy từ TP đến cơ sở tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị 20, đổi mới công tác tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng cụ thể, bằng nhiều hình thức sinh động. Quan trọng hơn, công tác này phải góp phần đấu tranh chống các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bố trí cán bộ có năng lực làm công tác lịch sử Đảng, ông Nguyễn Hồ Hải yêu cầu có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác này.
“Cần nâng cao chất lượng giảng dạy lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng để tạo hứng thú cho sinh viên, học sinh, tránh tình trạng nặng về lý thuyết, thiếu thực tiễn”- ông nhấn mạnh và cho rằng phải tăng cường cơ sở vật chất, kinh phí và có chế độ động viên, khuyến khích đối với cán bộ lịch sử Đảng.
Ông cũng yêu cầu Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM phối hợp với Viện lịch sử Đảng, Viện Lịch sử quân sự, Viện Sử học, Cục Khoa học chiến lược và Lịch sử Công an trong công tác nghiên cứu, biên soạn.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh thực hiện đề án về công tác sưu tầm tư liệu, phỏng vấn nhân chứng lịch sử, số hóa tư liệu của Ban Thường vụ Thành ủy.
Tại hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phạm Đức Hải, cho biết giai đoạn 2018- 2022, Thành ủy đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn nhiều công trình lịch sử Đảng.
Trong dịp các ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm các sự kiện lịch sử, Thành ủy đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm và sau đó các kỷ yếu được tổ chức in và phát hành thành sách.
Đến nay, có 22/22 quận, huyện, TP Thủ Đức và 281/312 phường, xã, thị trấn đã biên soạn và xuất bản công trình lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng giai đoạn 1930-1975 và giai đoạn từ năm 1975 đến những năm gần đây.
Công tác tuyên truyền lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức. Các nơi đã sử dụng hiệu quả mạng Intenet, làm cho lịch sử Đảng thấm sâu hơn vào mỗi cán bộ, đảng viên và đông đảo nhân dân.
Tuy vậy, Thành ủy TP.HCM cũng nhận định, việc phối hợp của Ban Tuyên giáo với học viện nhằm đưa nội dung lịch sử Đảng bộ vào giảng dạy trong chương trình trung cấp, sơ cấp lý luận chính trị chưa chặt chẽ.