Vừa có thay đổi lớn trong nhân sự Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) khi Phó Giám đốc FBI Andrew McCabe từ chức, Reuters dẫn xác nhận từ nhiều quan chức Mỹ ngày 29-1.
Ông McCabe từng giữ chức quyền giám đốc FBI trong hơn 2 tháng năm 2017 sau khi Giám đốc James Comey bị Tổng thống Mỹ Donald Trump sa thải, và trở lại vị trí phó giám đốc FBI khi ông Christopher Wray được ông Trump chọn làm giám đốc FBI. Giám đốc FBI Comey bị ông Trump sa thải tháng 5-2017 trong lúc đang đẩy nhanh cuộc điều tra khả năng đội tranh cử ông Trump thông đồng với Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ. Diễn tiến dẫn tới việc Bộ Tư pháp chỉ định ông Robert Mueller làm công tố viên đặc biệt dẫn đầu cuộc điều tra độc lập về vụ này. Ông Mueller là người tiền nhiệm của ông Comey tại FBI.
FBI ngày 29-1 cho biết ông David Bowdich, nhân vật số 3 của FBI sẽ tạm thời giữ chức quyền phó giám đốc FBI, thay thế ông McCabe.
Reuters dẫn một nguồn tin FBI cấp cao cho biết ông McCabe có ý định sẽ ở lại vị trí phó giám đốc FBI chỉ khoảng 6 tuần nữa cho đến lúc về hưu, tuy nhiên đã quyết định rời FBI sớm khi có thông tin ông sẽ bị điều chuyển xuống vị trí thấp hơn.
Phó Giám đốc FBI Andrew McCabe điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện về Luật Giám sát Tình báo Nước ngoài, ngày 7-6-2017. Ảnh: REUTERS
Ông McCabe từng hứng chỉ trích mạnh từ ông Donald Trump và đảng Cộng hòa khi ủng hộ ứng viên tổng thống Dân chủ Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống 2016.
Tuần trước, ông Trump lên tiếng bác bỏ thông tin trên Washington Post rằng ông từng hỏi ông McCabe đã bỏ phiếu bầu ai trong cuộc bầu cử tổng thống 2016, không lâu sau khi ông McCabe giữ chức quyền Giám đốc FBI. Theo Washington Post, ông McCabe nói với ông Trump rằng ông không đi bỏ phiếu.
Trước đó, ông McGabe từng nhiều lần là mục tiêu công kích của Tổng thống Mỹ Trump trên Twitter về quan hệ của ông với bà Clinton. Tháng 7-2017 khi ông McCabe làm quyền Giám đốc FBI, ông Trump từng đặt câu hỏi trên Twitter tại sao Bộ trưởng Tư pháp Jaff Sessions không sa thải ông McCabe.
Tháng 12-2017, ông McCabe từng phải nhiều lần ra điều trần về cuộc điều tra bà Clinton trước một số ủy ban Quốc hội do đảng Cộng hòa dẫn đầu.
Trong ngày 29-1, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders khẳng định ông Trump không liên quan đến tiến trình ra quyết định từ chức của ông McCabe, cho biết ông Trump sẽ tiếp tục “tin tưởng toàn diện” vào Giám đốc FBI Wray.
Chuyện ra đi sớm của ông McCabe đến trong lúc đang có thông tin Bộ Tư pháp sắp ra báo cáo về các hành động của ông McCabe cũng như một số quan chức hàng đầu FBI khác trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2016.
Trong thời điểm tranh cử này, FBI đã điều tra mối liên hệ giữa đội ngũ tranh cử ông Trump và Nga, cũng như việc bà Clinton sử dụng địa chỉ email riêng trong thời gian làm ngoại trưởng.
Nhiều thành viên đảng Cộng hòa còn chỉ trích ông McCabe nhẹ tay trong việc điều tra bê bối email của bà Clinton. Họ đưa thông tin rằng vợ ông McCabe trước đó từng chạy đua một ghế nghị viên Dân chủ trong Thượng viện bang Virginia, nhận đóng góp tài chính từ Thống đốc Virginia Terry McAuliffe – đồng minh thận cận của vợ chồng Clinton.
Tuy nhiên theo FBI, ông McCabe không liên quan đến cuộc điều tra bà Clinton cho đến sau thời điểm tháng 1-2016, lúc chiến dịch chạy đua của vợ ông đã kết thúc và không còn xung đột với công việc của ông.
Ông McCabe không phải là nhân vật duy nhất ở FBI đối mặt với chỉ trích từ đảng Cộng hòa. Trong vài tuần gần đây chỉ trích từ đảng Cộng hòa tăng mạnh nhắm vào đặc vụ Peter Strzok và công tố viên Lisa Page, cùng tham gia 2 cuộc điều tra bà Clinton lẫn quan hệ giữa đội tranh cử ông Trump với Nga.