Chiều 20-7, liên quan đến hai trường hợp thí sinh tại Trường THPT chuyên Sơn La có điểm thi cao bất thường, ông Phạm Đăng Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, đã trao đổi với báo chí về vấn đề này.
Ông Phạm Đăng Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La. Ảnh VOV
Theo ông Quang, kết quả thi thử được Grường THPT chuyên Sơn La tổ chức vào tháng 3-2018, cách kì thi THPT quốc gia 3 tháng. Thời điểm thi thử, có thể các thí sinh chưa tích lũy đủ kiến thức để làm tốt bài; tuy nhiên sau thi thử thì các em có tới hơn 3 tháng để luyện thi. Các em không chỉ luyện thi do nhà trường tổ chức mà một số gia đình còn thuê cả gia sư.
“Hơn 3 tháng đó là toàn tâm toàn ý cho việc luyện thi. Sau khi tổng kết xong, các em còn rất nhiều thời gian để tập trung ôn luyện những môn xét tuyển đại học, hoàn toàn có khả năng đạt được mục đích của mình”- ông Quang nói.
Vị này cũng cho hay sau khi nhận được một số thông tin về điểm thi của các thí sinh, đơn vị đã làm việc với Trường THPT chuyên Sơn La để nắm tình hình về hoàn cảnh gia đình, lực học và ý thức của các em. Quá trình làm việc trực tiếp, thầy cô đều khẳng định các em hoàn toàn có thể đạt được điều đó.
Chia sẻ về vụ gian lận điểm thi tại Hà Giang vừa qua, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La cho rằng đây là bài học chung cho cả nước, của cả Bộ GD&ĐT, đặc biệt là công tác quản lý phần mềm thi trắc nghiệm.
“Sau khi có sự cố ở Hà Giang thì chúng tôi mới biết có kẽ hở đó, bình thường sau khi cho vào máy là gửi toàn bộ về Bộ, làm sao dám sửa. Theo tôi, Bộ GD&ĐT cần thiết kế phần mềm quản lý thi chặt chẽ hơn nữa, bổ sung vào quy chế trước khi mở bài thi trắc nghiệm phải đối chiếu giữa chữ kí của người niêm phong với chữ kí mẫu. Nhưng sự việc ở Hà Giang cũng không nằm ở khâu này mà lại do máy tính” – ông Quang nhận định.
Trước đó, mạng xã hội đăng tải nhiều thông tin nghi vấn về điểm thi THPT tại Sơn La có sự bất thường, trong đó có hai thí sinh thuộc Trường THPT chuyên Sơn La, nằm trong top 11 thí sinh điểm thi cao nhất cả nước.
Cụ thể, hai thí sinh này là BN (lớp chuyên sử) và ND (lớp chuyên văn). Dù học chuyên khối xã hội nhưng hầu hết điểm thi các môn khối tự nhiên đều rất cao. Cụ thể, BN có điểm thi 6 môn lần lượt là: toán 9,8; ngữ văn 8,75; lịch sử 7,5; địa lý 8,25; giáo dục công dân 8; tiếng Anh 9,8. Còn thí sinh ND là: toán 9,6; ngữ văn 9,0; lịch sử 10; địa lý 8,25; giáo dục công dân 7,5; tiếng Anh 10.
Đáng chú ý, nếu so điểm thi chính thức nói trên với điểm thi thử của chính hai thí sinh nay thì có một sự chênh lệch rất lớn. Trong đó, BN có điểm toán: 5; ngữ văn: 4; tiếng Anh: 1,2; lịch sử: 6,25; địa lý: 6,25; giáo dục công dân: 5,25. Còn thí sinh ND là: toán 6,4; ngữ văn 6,5; tiếng Anh 5,8; lịch sử 5,5; địa lý 4,25; giáo dục công dân 5,5.
Nhiều ý kiến nghi ngờ về sự chênh lệch nói trên, cùng với đó là việc hai thí sinh này có điểm rất cao tại các môn không phải khối chuyên của mình.