Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác háo hức, hồi hộp chờ ngày lên đường ra biên giới dù chỉ làm nhiệm vụ thông tin sau khi quân đội Bắc Kinh đã… rút.
Dẫu vậy, suốt chặng đường lên các tỉnh biên giới phía Bắc, tàn tích cuộc chiến tranh phá hoại vẫn như là gai nhọn chọc vào tim, khuấy động nỗi căm hờn khi biết tin 100 em bé ở chợ huyện Bát Xát bị giết bằng mọi hình thức thô sơ. Cầu Kỳ Lừa bị đánh gãy hai thân nằm vắt trên dòng sông. SaPa đổ nát. Những rặng sà mù bị phạt ngang thân. Nghĩa trang liệt sĩ SaPa bị chúng giật mìn đánh sập.
Trong nhật ký phóng viên, tôi đã viết: “Ngày 18-3, tôi đến Phố Lu, 10 ngày sau khi bọn xâm lược đã tháo chạy khỏi nơi này. Không ai có thể ngờ được khu đất mà chúng tôi đang đứng trước kia có 125 gia đình sống bằng nghề chế biến lâm sản. Bây giờ trên đống gạch vụn này nó không còn có vẻ gì là một khu phố sầm uất như ngày nào”.
Bộ đội ta đánh trả Trung Quốc.
“Đường xe lửa Phố Lu Lào Cai (18-3-1979). Đây là đoạn đường sắt huyết mạch dài 33 km nối liền các ga Phố Lu, Thái Niên, Làng Giàng, Pom Hán. Chúng dùng loại bộc phá “bánh khảo”, mỗi miếng chỉ nặng 200 g, đặt áp sát vào lòng đường ray và cho nổ. Khi nổ, sức công phá của bộc phá làm thủng đường ray một lỗ nhỏ bằng quả trứng. Mỗi thanh đường ray, giữa hai đoạn nối, chúng cho nổ một trái bộc phá. Đường sắt Phố Lu đã bị phá hỏng hoàn toàn”.
“Trong đêm tối chờ phà ở Phố Lu, tôi nghe tiếng nước sông Hồng chảy về mạn xuôi dội vào bờ rì rập. Rải rác đây đó nhiều khúm lửa nhỏ đã được đốt vội để chống lại giá rét, sương đêm. Từng đoàn xe đứng âm thầm trong bóng tối, thỉnh thoảng hình ảnh của một người chiến sĩ được ánh lửa hắt vào thành xe, cái bóng trông to lớn lạ. Không khí bỗng dưng như thiêng liêng, như trầm lắng. Đêm trên bến phà Phố Lu, tôi được một chiến sĩ đọc cho nghe một bài thơ mà anh cũng không nhớ tác giả. Và bây giờ, giữa cảnh im ắng của TP.HCM trong đêm khuya, cái giọng trầm ấm của anh bỗng làm sống lại trong tôi không khí cái đêm giá rét bến phà Phố Lu ấy với những gương mặt hồng bên ánh lửa: Mỗi người có một quê/ Tuổi ấu thơ để ở/ Thời niên thiếu để yêu/ Tuổi lớn lên để nhớ…”.
“Bài thơ ấy đã sống trong anh và bây giờ, nó cũng sống trong tôi. Bởi vì mỗi người trong chúng ta đều sinh ra và lớn lên từ một vùng đất nào đó. Tôi bắt đầu yêu và cũng bắt đầu biết nhớ đến thời niên thiếu mình đã tắm ở dòng sông nào của quê hương, nơi đâu của tuổi thơ bay xa… Mỗi người đều cảm thấy mình không thể tách rời khỏi một khoảng quê hương riêng của mình dù bây giờ có thể nó đã xa”.
“Vùng đất ấy, quê ấy rất cụ thể và nó hiện diện ngay chính trong mỗi trái tim chúng ta. Và mỗi phần riêng lẻ của anh, của tôi và của chúng ta đã gộp thành cái tên Tổ quốc: Việt Nam. Và không có cái tên này thì chính quê hương của chúng ta không thể nào có được. Việt Nam không thể nào không có dòng sông đỏ quạch phù sa của anh, không thể nào không có gốc bần mà tuổi thơ của tôi đã từng gửi gắm những ý nghĩ bán trời của “hiệp sĩ” và lại không thể nào không có tiếng chim, cành đào quê chị… Và dòng sông, gốc bần, tiếng chim, cành đào chỉ có thể tồn tại một nơi duy nhất trong mỗi trái tim: Việt Nam”.
“Ngăn một dòng sông, phá gãy một chiếc cầu con, một di tích lịch sử cổ kính như thế không những quê anh chị bị chà đạp mà quê tôi cũng đau nhức. Không riêng tuổi thơ của anh bị xúc phạm mà tuổi thơ của tôi cũng phải hằn nỗi căm thù. Và cả Việt Nam đã nghe lòng phẫn nộ…”.
Những năm sau này có dịp trở lại, Phố Lu đã trở nên khang trang, đẹp đẽ và khác lạ, tôi bỗng nhớ lại một đêm của tháng 3-1979 với bài thơ và các chiến sĩ trẻ của những đêm biên giới. Bài thơ còn đây và các anh ở đâu…?