Phó thống đốc NHNN: Không để bất động sản 'đóng băng'

(PLO)- “Mục tiêu đặt ra là phát triển thị trường bất động sản ổn định, lành mạnh và không để xảy ra bong bóng nhưng cũng không để đóng băng thị trường này” - lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cam kết.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 27-12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức họp báo về kết quả hoạt động năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Tại đây, nhiều vấn đề nóng liên quan đến tín dụng, tỉ giá, lãi suất… đã được đề cập.

Tìm giải pháp khơi thông thị trường bất động sản

Tại cuộc họp báo, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN, cho biết: Tính đến ngày 21-12, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỉ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm ngoái. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Trả lời về vấn đề thị trường bất động sản (BĐS) đang khát vốn, Phó Thống đốc khẳng định: Việc cho vay đối với những dự án xây dựng khu công nghiệp, đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân; dự án nhà ở sắp hoàn thành xây dựng và bàn giao, có khả năng trả nợ vay đầy đủ, đúng hạn, đảm bảo tính pháp lý, có thanh khoản tốt; dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, dự án nhà ở thương mại với giá phù hợp… vẫn được vay bình thường. Tuy nhiên, sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với những dự án BĐS rủi ro như phân khúc nghỉ dưỡng hoặc những khoản vay có tính chất đầu cơ, thổi giá BĐS.

Lãnh đạo NHNN cũng cho hay tới đây cơ quan này sẽ tổ chức các diễn đàn về tín dụng cho BĐS. Qua đó để làm rõ trách nhiệm của ngành ngân hàng, trách nhiệm của cơ quan quản lý BĐS, trách nhiệm của doanh nghiệp triển khai dự án...

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn đầy đủ và kịp thời. Ảnh: TL

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn đầy đủ và kịp thời. Ảnh: TL

“Mục tiêu cuối cùng là để đảm bảo thị trường nhà đất phát triển lành mạnh, ổn định. Không để xảy ra bong bóng nhưng cũng không để đóng băng thị trường BĐS” - ông Tú nhấn mạnh.

Lãnh đạo NHNN cũng tiết lộ ông cùng với các thành viên Tổ công tác của Thủ tướng đang đi nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, phân tích cụ thể về tình hình BĐS tại các địa phương. Bước đầu đã thấy rõ rất nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc của các công ty BĐS và cũng thấy cần tăng cường các giải pháp của các cơ quan chức năng để tháo gỡ khó khăn, khơi thông cho thị trường này. Song bản thân các công ty BĐS cũng phải triển khai giải pháp bởi không phải cái gì cũng yêu cầu Nhà nước đứng ra bảo hộ.

“Tổ công tác của Thủ tướng sẽ tổng kết, phân tích, đánh giá, đề xuất… và báo cáo Chính phủ để có giải pháp trước mắt về tín dụng cho thị trường BĐS trong thời gian tới. Từ đó để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh, ổn định” - Phó Thống đốc cam kết.

Đề xuất điều chuyển gói cho vay ưu đãi 2%

Về chương trình triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN, thông tin: Thời gian qua, ngành ngân hàng đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai gói hỗ trợ này. Tuy nhiên, đến cuối tháng 11 vừa qua, chương trình mới đạt doanh số cho vay gần 30.000 tỉ đồng, dư nợ 23.000 tỉ đồng và số tiền hỗ trợ lãi suất mới chỉ đạt khoảng 78 tỉ đồng. Kết quả này thực sự chưa đạt được như kỳ vọng ban đầu.

Giải thích về nguyên nhân gói gỗ trợ lãi suất 2% chậm đến tay người dân và danh nghiệp, bà Giang nói: Qua báo cáo của các ngân hàng thương mại cho thấy khó khăn, vướng mắc lớn nhất của chính sách này là có tới 67% doanh nghiệp được hỏi đều có tâm lý e ngại. Họ e ngại khi tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất thì sau này sẽ phải tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến khâu hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán. Từ đó họ cân nhắc giữa lợi ích của việc được hỗ trợ giảm lãi suất 2%/năm so với chi phí bỏ ra để theo dõi hồ sơ, chứng từ, cũng như các quy định liên quan đến thủ tục thanh tra, kiểm tra sau này.

Khó khăn lớn thứ hai là theo quy định của chính sách ưu đãi lãi suất, doanh nghiệp phải có khả năng phục hồi. Nhưng các ngân hàng thương mại cho biết họ chỉ có thể nhận định được khách hàng có khả năng trả nợ được hay không, chứ không dám khẳng định là doanh nghiệp có khả năng phục hồi hay không, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có biến động rất lớn như hiện nay.

Ngoài ra, theo bà Giang, gói cho vay 2% còn vướng phải một số khó khăn khác như: Có khách hàng là hộ kinh doanh nhưng lại không có giấy phép đăng ký kinh doanh. Một số khác đủ điều kiện được vay lãi suất ưu đãi 2% nhưng họ có nhu cầu vay bằng USD, trong khi chính sách chỉ áp dụng cho khách hàng vay bằng tiền đồng.

Đó là chưa kể hiện nay các doanh nghiệp thường kinh doanh đa ngành nghề, trong đó có những ngành nghề họ kinh doanh được hỗ trợ nhưng có ngành nghề họ đang kinh doanh lại không được hỗ trợ lãi suất. Do đó, việc bóc tách từng ngành nghề là vô cùng khó khăn trong quá trình thực thi.

“Chính vì vậy, để chính sách đi vào thực tế thuận lợi thì cần các cơ quan chức năng liên quan có hướng dẫn cụ thể hơn. Đồng thời, NHNN cũng có hai đề xuất kiến nghị lên Chính phủ, đó là các bộ, ngành liên quan có thể xem xét điều chuyển nguồn tiền này sang các địa chỉ khác hấp thụ tốt hơn. Ví dụ như chương trình cho vay giải ngân thông qua ngân hàng chính sách xã hội, hoặc thông qua các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp như miễn giảm thuế” - bà Giang cho biết thêm.

Room tín dụng năm nay vẫn dư

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Trong năm 2022, có thời điểm tỉ giá tăng cao nhất lên tới 9% nhưng chủ yếu do yếu tố tâm lý. Hiện tỉ giá USD/VND chỉ tăng khoảng 3,81% so với cuối năm ngoái. Mức mất giá này thấp hơn các quốc gia trên thế giới. Hoạt động cung ứng ngoại tệ cho các doanh nghiệp diễn ra thông suốt, không có ngân hàng thương mại nào gặp khó khăn về thanh khoản ngoại tệ trong thời gian qua.

Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2023, lãnh đạo NHNN cho biết tiếp tục tập trung nhiệm vụ kiểm soát lạm phát với mục tiêu khoảng 4,5% và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Do đó, cơ quan này sẽ điều hành linh hoạt, thận trọng phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Đồng thời, NHNN cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn đầy đủ và kịp thời. Đối với lãi suất, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, lợi nhuận để chia sẻ với doanh nghiệp và người dân.

“Nếu tính đến hôm nay, room (hạn mức) tín dụng năm nay vẫn dư thừa 1%, chưa kể room tín dụng được nới thêm” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm