Ngày 25-5, tại thành phố Thanh Hoá, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thanh Hoá tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em Quốc gia năm 2019 với chủ đề: “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số; phòng, chống đuối nước trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.”
Phải để trẻ em biết được quyền của mình
"Tôi mong rằng tất cả chúng ta cùng chăm lo cho thế hệ mai sau", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Phát biểu tại buổi lễ phát động, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Việt Nam đang phát triển, đất nước còn nghèo, nhất là vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Còn nhiều trẻ em thấp còi, chưa được tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục như các bạn ở vùng đồng bằng. Trong hơn 26 triệu trẻ em, còn nhiều em bị bỏ rơi (do lỗi lầm của người lớn), nhiều em bị suy dinh dưỡng, không ít trẻ em bị bạo hành, bóc lột sức lao động, cả về tình dục. Còn không ít trẻ em bị thương do tai nạn, thậm chí bị chết do đuối nước.”
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, năm 2019 là năm thứ 30 chúng ta ký Công ước về quyền trẻ em, năm thứ 25 chúng ta tổ chức Tháng hành động vì trẻ em. Theo Luật trẻ em, trẻ em có 25 quyền, các cháu cần được phổ biến đầy đủ. Bên cạnh các phong trào phát động, cần chú ý thực hiện thật tốt quyền của trẻ em, trách nhiệm của gia đình, các cấp, các ngành, xã hội. Cần làm cho mọi người trong xã hội, nhất là trẻ em biết được quyền của mình. Khi đó, các tổ chức, cá nhân cần phải được ràng buộc trách nhiệm, các hành vi vi phạm phải bị xử lý nghiêm.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý, từ xưa, cách giáo dục của người Á Đông là ‘Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi,’ nghĩa bóng là phải nghiêm khắc uốn nắn trẻ em. Xã hội ngày càng văn minh, câu nói đó cần được hiểu cho đúng với thời đại.
“Chúng ta đừng coi trẻ em là những đối tượng chỉ biết vâng lời, làm theo người lớn. Hãy coi trẻ em cũng là đối tác tiến bộ, cần tôn trọng trẻ em. Hãy để các em thể hiện, các em có quyền tham gia, bày tỏ chính kiến của mình, không nên chỉ một chiều, điều này rất quan trọng với các bậc cha mẹ, giáo viên. Đổi mới giáo dục không phải chỉ một chiều, mà thầy và trò cần trao đổi với nhau trong tiết học, học những cái mới trong các tiết học. Tôi mong rằng tất cả chúng ta cùng chăm lo cho thế hệ mai sau,” Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Còn khoảng 5,6 triệu trẻ em nghèo
Tại buổi lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: “Cả nước hiện nay vẫn còn khoảng 5,6 triệu trẻ em nghèo theo phương thức tính thiếu hụt các quyền của trẻ em (chiếm khoảng 21% tổng số trẻ em của cả nước), trong đó vùng Trung du miền núi phía Bắc có tỉ lệ trẻ em nghèo cao nhất (chiếm 41,5% số trẻ em nghèo).
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc triển khai thực hiện các quyền trẻ em tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn gặp nhiều thách thức (khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách về cơ hội phát triển và đặc biệt là tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nước sạch và các dịch vụ phúc lợi xã hội của trẻ em giữa các vùng kinh tế và dân tộc vẫn còn khác nhau); mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em bị đuối nước và trên 1.500 trẻ em là nạn nhân của của các vụ bạo lực, xâm hại tình dục...
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, Tháng hành động vì trẻ em năm 2019 cần tập trung tổ chức chiến dịch truyền thông, nâng cao nhận thức về phòng chống đuối nước trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; vận động toàn xã hội chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số; bảo đảm cho trẻ em trên toàn quốc có kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh.
Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam khẳng định: “Tháng hàng động vì trẻ em là một trong những sự kiện quan trọng về công tác tuyên truyền bảo vệ quyền trẻ em. Việt Nam đã đạt được những kết quả và đi đầu trong công tác bảo vệ quyền trẻ em. Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho phát triển kinh tế trong tương lai.”
Nhân dịp phát động Tháng trẻ em quốc gia năm 2019, các đại biểu đã tặng 300 bộ áo phao, 500 mũ bảo hiểm, 100 suất quà và 70 suất học bổng cho trẻ em tỉnh Thanh Hóa.