Tối 20-12 tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em là văn kiện đậm tính nhân văn của toàn nhân loại. Theo Phó Thủ tướng, chúng ta vui khi thấy các số liệu thống kê cùng phân tích đánh giá của các tổ chức quốc tế liên quan tới phát triển con người, tới chăm sóc và bảo vệ trẻ em ở nước ta tốt hơn so với nhiều quốc gia có trình độ phát triển tương đương. Dù vậy, chúng ta cũng không quên rằng ngay giờ phút này không ít trẻ em vẫn sống trong nghèo đói, vẫn đang là nạn nhân của bạo hành, của phân biệt đối xử, tệ nạn...
Phó Thủ tướng cũng khẳng định không ít hành vi chưa đúng của người lớn đã ảnh hưởng xấu tới tâm lý, tình cảm, sự phát triển hướng tới chân - thiện - mỹ của trẻ em: "Làm sao mong muốn con cháu thành người trung thực, hiếu thảo, nhân ái khi những lời nói, việc làm của mình lại không như vậy? Làm sao tin tưởng con cháu mình sẽ trở thành công dân mẫu mực, mà một tiêu chí dễ thấy nhất là tuân thủ pháp luật, trong khi mình lại không đội mũ bảo hiểm, lại vượt đèn đỏ khi chở con đi trên đường?..." - Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.
Bên cạnh những hình ảnh vui tươi của trẻ em, Phó Thủ tướng cũng nhắc đến những hình ảnh đau xót mà không ai có thể quên được: "Đó là xác em bé ba tuổi người Syria nằm sấp trên bờ biển, là con kền kền chờ em bé Sudan chết đói trong bức ảnh của Kevin Carter, là em bé Napan của Nick Út, là những thai nhi biến dạng do bị nhiễm chất độc hóa học…" - Phó Thủ tướng kêu gọi mọi người hãy nhớ về tuổi thơ và cùng nguyện làm tất cả để trẻ em có một tuổi thơ tươi vui, một tương lai tốt đẹp nhất.
Hình ảnh đau lòng về em bé Syria.
Được biết trong 25 năm tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em, Việt Nam dành ưu tiên cho các mục tiêu chăm sóc sức khỏe và giáo dục trẻ em. Nhờ đó đã có ít nhất 90% trẻ em được tiêm đầy đủ sáu loại vaccine, giảm tỉ lệ tử vong trẻ em dưới năm tuổi và phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em. Trong năm 2000, Việt Nam đã thanh toán xong bệnh bại liệt và hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học. Ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục tăng 14 lần. Việt Nam cũng tập trung giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, lao động sớm, trẻ em bị xâm hại tình dục...