Phó Thủ tướng: Tập trung sơ tán dân trước khi bão đổ bộ

Sáng 13-11, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành liên quan và 10 địa phương ven biển miền Trung để triển khai công tác ứng phó với bão.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TẤT ĐỊNH

Tại cuộc họp, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, lãnh đạo UBND các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Thanh Hóa... đã lần lượt báo cáo về công tác triển khai ứng phó với bão số 13.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết bão số 13 có đường đi khó đoán định, tốc độ bão còn lớn, dự kiến đổ bộ vào khu vực Trung bộ đang chịu tổn thương của bão, lũ.

Đối với tỉnh Quảng Nam, là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề do đợt mưa lũ vừa qua, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh công tác di dời dân cư ở 93 điểm có nguy cơ cao về sạt lở đất đá là cực kỳ quan trọng. Bộ trưởng đề nghị tiếp tục phương châm bốn tại chỗ, đảm bảo nhu yếu phẩm vì nguy cơ sạt lở, ngập lụt, có thể xảy ra tình trạng cô lập, khó tiếp cận.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá rất cao các địa phương, các bộ ngành đã tập trung lên kế hoạch và có các biện pháp chủ động ứng phó. Hiện tàu thuyền đã được đưa ra khỏi nơi nguy hiểm, chuẩn bị sơ tán người dân, triển khai bảo vệ các công trình sản xuất, nhà ở của người dân, các công trình hồ đập đều đã có giải pháp ứng phó.

"Theo dự báo bão sẽ đổ bộ ven biển, đất liền vào tối mai, sáng ngày 15-11, cơn bão khi vào đất liền vẫn giật cấp 11, nhà cửa cấp 4 của người dân sẽ bị bung hết. Do đó, nếu không kịp thời sơ tán người dân thì thiệt hại sẽ rất khó lường" - Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: TĐ

Phó thủ tướng đề nghị tiếp tục đảm bảo an toàn trên biển, các địa phương từ Thanh Hóa đến Bình Định, trong phạm vi ảnh hưởng của bão phải rà soát lại các tàu thuyền, có biện pháp bảo vệ người dân, các thuyền viên, sơ tán người dân khỏi các lồng bè, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên đảo.

Trên đất liền, Phó thủ tướng yêu cầu sơ tán dân ra khỏi các nhà yếu, khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn cho các công trình của nhà dân, giằng chống, bảo vệ mái công trình trước gió bão. Bảo vệ các công trình công cộng, công trình sản xuất, kinh doanh dịch vụ, các khu vực kinh doanh dịch vụ ven biển, bảo vệ sản xuất. Sơ tán người dân khỏi nơi dễ bị lũ quét, lũ ống, sạt lở đất.

"Vừa rồi các tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế thiệt hại rất nặng nề, do đó tuyệt đối không chủ quan với địa phương nào, kể cả khi bão vào và hoàn lưu trước và sau bão" - Phó Thủ tướng yêu cầu.

Cùng với những công tác ứng phó trên, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu triển khai bảo vệ các công trình thủy lợi, thủy điện, bảo vệ an toàn hồ đập, vận hành an toàn hồ chứa; đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, đảm bảo thông suốt thông tin liên lạc, điện lưới...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới