Sáng 14-12, tiếp tục phiên họp thứ 18, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Một trong những nội dung được thảo luận sôi nổi liên quan đến quy định về Hội đồng Y khoa quốc gia.
Chưa rõ địa vị pháp lý của Hội đồng Y khoa quốc gia
Trình bày báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho hay đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng mô hình Hội đồng Y khoa quốc gia để thực hiện việc đánh giá năng lực trước khi cấp giấy phép hành nghề.
Theo bà Thuý Anh, để thận trọng, dự thảo Luật chỉ ghi nhận hình thức tổ chức, giao Chính phủ quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia và quy định chi tiết về Hội đồng này.
Nêu ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cung cấp thêm thông tin các nước quy định về Hội đồng Y khoa quốc gia thế nào?
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: PHẠM THẮNG |
“Đọc trên báo chí thấy có mấy mô hình, Việt Nam chọn mô hình nào? Vì sao lại chọn mô hình đó? Ai thành lập Hội đồng này?”- Chủ tịch Quốc hội nói và nhận xét dự thảo quy định không rõ về địa vị pháp lý của Hội đồng Y khoa quốc gia.
“Trước đây có câu ‘do Thủ tướng thành lập’ nhưng giờ bỏ mất câu này rồi. Theo luật này thì ai sẽ là người thành lập? Hay Quốc hội giao hết quyền cho Chính phủ quy định, muốn ai thành lập cũng được? Một tổ chức quyết định sinh mạng hàng vạn người hành nghề lĩnh vực này mà để mù mờ thế thì không được. Tôi không tán thành chuyện này”- ông Vương Đình Huệ đề nghị cần quy định rõ trong dự thảo “địa vị pháp lý” của Hội đồng này.
Mặt khác, theo Chủ tịch Quốc hội, dự thảo Luật quy định Hội đồng Y khoa quốc gia có các nhiệm vụ như ban hành bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề… “Hội đồng này là tổ chức xã hội nghề nghiệp hay quản lý nhà nước, hay cả hai? Bộ Y tế có quản lý không?”- ông Vương Đình Huệ nêu vấn đề.
Theo ông, Hội đồng Y khoa quốc gia là tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề. Nếu được thành lập, Hội đồng này chỉ là cơ quan “chủ trì” làm việc, khi tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề phải sử dụng các tổ chức xã hội- nghề nghiệp trong ngành Y như Hội Tim mạch, Hội Bệnh truyền nhiễm… là những nơi ”thâm nho” về nghề nghiệp.
“Hội đồng Y khoa quốc gia, nếu có, thì chỉ làm đầu mối thôi chứ không thể làm tất cả mọi thứ cho hàng vạn người hành nghề Y”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và nói thêm rằng trong đánh giá năng lực hành nghề, phải tránh trường hợp người không hiểu hiểu biết đánh giá các chuyên gia.
Bộ trưởng Bộ Y tế là Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia?
Giải trình sau đó về hoạt động của Hội đồng Y khoa quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay mô hình này đã được thực hiện ở hầu hết nước trên thế giới. Tuy nhiên, tùy thuộc từng quốc gia, hoạt động của Hội đồng này khác nhau.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: PHẠM THẮNG |
Theo Phó Thủ tướng, quản lý lĩnh vực y tế hiện có hai chủ thể, gồm: Bộ Y tế, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước và Tổng hội y học Việt Nam, với rất nhiều các hội chuyên môn như tim mạch, dinh dưỡng...
Ban đầu, cơ quan soạn thảo dự định giao việc đánh giá năng lực cho Tổng hội Y học Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, thảo luận với thành viên của Tổng hội này, cơ quan soạn thảo cho rằng vẫn cần thành lập tổ chức mới, còn Tổng hội Y học Việt Nam vẫn là cơ quan phối hợp.
“Khi thành lập cơ quan mới, Hội đồng Y khoa quốc gia không đảm nhận tất cả các khâu liên quan đến thi cử, cấp giấy phép hành nghề, mà chỉ thực hiện một số khâu sẽ được quy định cụ thể. Nếu luật chưa quy định thì sẽ đưa vào các nghị định”- ông Đam nói thêm.
Phó Thủ tướng thừa nhận cách thể hiện trong dự thảo luật về Hội đồng Y khoa quốc gia còn chưa rõ. Theo ông, Hội đồng Y khoa cũng không thể làm hết mọi việc, cũng không thể lập thêm các hội đồng bên dưới vì sẽ tạo nên bộ máy rất cồng kềnh.
“Đó chỉ là đầu mối chủ trì và làm một số việc”- ông Vũ Đức Đam cho biết mô hình cụ thể của Hội đồng Y khoa quốc gia đã được bàn rất nhiều, là hành chính hay là tổ chức xã hội- nghề nghiệp.
Dẫn mô hình Hội đồng Giáo sư ở ta, Phó Thủ tướng nói các nước không có mô hình này mà các trường tự công nhận. Nhưng trong điều kiện Việt Nam, chúng ta vẫn phải lập ra một cơ quan có một phần can dự của nhà nước, trực tiếp ở đây là Bộ trưởng GD&ĐT, còn lại là các nhà khoa học.
“Trường hợp này, anh em cũng muốn đưa ra vận dụng, Bộ trưởng Y tế sẽ làm Chủ tịch (Hội đồng Y khoa quốc gia). Trong trường hợp Bộ trưởng không nhất thiết phải là bác sĩ thì sẽ chủ trì công việc thế nào? Chúng tôi đang thảo luận, Chính phủ sẽ điều chỉnh cái này”- Phó Thủ tướng nói thêm và nhấn mạnh vai trò quan trọng nhất của Hội đồng này là ra được ngân hàng câu hỏi đề thi lý thuyết và các nội dung kiểm tra thực hành.
“Đây sẽ chỉ là câu hỏi lý thuyết, kỹ năng thực hành tối thiểu, để làm sao cho việc kiểm tra và thi rất nhẹ nhàng chứ không phải một kỳ thi tốt nghiệp thứ hai”- vẫn lời Phó Thủ tướng.
Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) quy định mỗi người hành nghề chỉ được cấp 1 giấy phép hành nghề.
Giấy phép hành nghề có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh.
Về thời hạn này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn kinh nghiệm quốc tế và mô tả “giống như giấy phép lái xe”, nếu đến kỳ kiểm tra mà sức khỏe, năng lực không đạt thì thu hồi giấy phép.
“Làm sao kiểm soát chặt để việc cấp, gia hạn cái này nhẹ, không nảy sinh tiêu cực”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.