Giá trị thương hiệu trong giá khám chữa bệnh: 'Mù mờ thế này thì khó cho mình!'

(PLO)- Chủ tịch Quốc hội đề nghị cân nhắc khi quy định “giá trị vô hình của thương hiệu” là yếu tố cấu thành giá khám bệnh, chữa bệnh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 14-12, tiếp tục phiên họp thứ 18, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Cấu thành giá khám, chữa bệnh gồm “giá trị vô hình của thương hiệu”?

Liên quan đến giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (Điều 110), Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho hay: Có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng quy định của dự thảo Luật không mang tính đặc thù của lĩnh vực y tế, chưa thể hiện vai trò quản lý nhà nước về giá khám bệnh, chữa bệnh của Bộ Y tế.

Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh. Ảnh: PHẠM THẮNG

Từ đó, ý kiến này đề nghị cần quy định rõ nguyên tắc của tính đúng, tính đủ nhưng không làm tăng chi phí cho người dân; đề nghị bổ sung quy định về phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho phù hợp và thống nhất với quy định của dự thảo Luật Giá. Đồng thời đề nghị thể hiện rõ hơn, đầy đủ hơn các yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám, chữa bệnh.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng quy định các yếu tố cấu thành giá khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:

(1) giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; (2) lợi nhuận hoặc tích lũy dự kiến (nếu có); (3) các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; (4) giá trị vô hình của thương hiệu (nếu có).

Điều luật này cũng quy định các chi phí để tính giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:

(1) Chi phí nhân công (gồm tiền lương, tiền công, phụ cấp và các khoản đóng góp theo lương và chi thu hút, đãi ngộ nhân lực y tế);

(2) Chi phí hàng hóa bao gồm thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, máu, chế phẩm máu và các hàng hóa khác có liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh;

(3) Chi phí khấu hao thiết bị y tế, tài sản cố định;

(4) Chi phí quản lý, chi phí duy tu, bảo dưỡng tài sản cố định, chi phí bảo vệ môi trường, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin, chi phí mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.

(5) Các chi phí khác có liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Cân nhắc quy định giá tối đa

“Sáng sớm 4-5h sáng, có đồng chí trách nhiệm rất cao gọi điện cho tôi về chuyện này, rất lo lắng. Tôi bảo làm gì có, đồng chí nói thế thì tốt. Nhưng bây giờ đọc lại thì đúng là có thật”- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói khi cho ý kiến về nội dung này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: PHẠM THẮNG

Ông Vương Đình Huệ đề nghị “rất cân nhắc” khi quy định “giá trị vô hình của thương hiệu” là một trong những yếu tố cấu thành giá khám bệnh, chữa bệnh.

Theo ông, Bộ Tài chính từng đưa vào một nghị định việc xác định giá trị thương hiệu, lịch sử... và giờ đang “chết dở”; nghị định này cũng đang phải sửa.

“Đưa vào không tính được đâu, mà cũng chẳng ai tính cho đâu. Mù mờ thế này thì chết anh em thôi”- Chủ tịch Quốc hội nói.

Về các chi phí tính giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Chủ tịch Quốc hội cho hay hiện chúng ta mới tính được hai mục đầu tiên. Chi phí khấu hao và chi phí quản lý đã có lộ trình để tính đúng, tính đủ, nhưng tình hình khó khăn nên chưa làm được, mệnh giá bảo hiểm cũng chưa nâng lên được.

“Giờ có thêm ‘chi phí khác có liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh’ thì tôi không hiểu chi phí khác là chi phí gì? Mù mờ thì càng khó cho mình thôi, tự mình làm khó mình thôi. Mai mốt các cơ quan hỏi, đoàn giám sát của Quốc hội hỏi chi phí khác không thấy tính là chết rồi”- Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Ngoài ra, ông Vương Đình Huệ cũng đề nghị xem lại khoản 5 Điều 110, giao Bộ Y tế quy định giá tối đa dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước.

“Chúng ta đang phấn đấu có cơ sở khám chữa bệnh chất lượng cao để tránh chảy máu ngoại tệ. Hàng năm, người dân chi bao nhiêu đôla sang Hồng Kông, Singapore, Nhật... khám chữa bệnh, trong khi cơ sở nhà nước hoàn toàn có thể làm trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao theo yêu cầu”- ông Vương Đình Huệ nói.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị nội dung này chỉ nên quy định giá dịch vụ gồm những cái gì; thực hiện nguyên tắc tính đúng, tính đủ; Nhà nước, cụ thể là Chính phủ, Bộ Y tế công bố lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ đối với các dịch vụ khám chữa bệnh bằng BHYT.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, sở dĩ chúng ta chưa đưa được chi phí khấu hao, chi phí quản lý vào giá thành dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do mệnh giá BHYT quá thấp.

“Tôi nói đi nói lại nhiều lần rồi. Mệnh giá BHYT của ta giờ khoảng 40-50 USD thôi, trong khi danh mục thì rất nhiều. Thái Lan ít nhất là 120 USD, danh mục thì ít. Giờ nâng cái này lên thì liên quan đến khả năng chi trả của người dân và khả năng chi trả của nhà nước vì một tỷ lệ rất lớn BHYT là nhà nước hỗ trợ”- Chủ tịch Quốc hội nêu lý do vì sao “phải có lộ trình”.

Tuy nhiên, ông Vương Đình Huệ một lần nữa khẳng định “nguyên tắc là phải tính đúng, tính đủ và lộ trình này nên quy định trong luật vì đã quy định thì phải thực hiện. Và muốn thực hiện phải có tài chính đi kèm, tức là phải bố trí để tăng mệnh giá BHYT lên.

“Cơ sở nào tốt, dịch vụ tốt, giá cả phải chăng thì người dân đến, không thì thôi. Chúng ta đang hình thành trung tâm khám chữa bệnh cao cấp mà. Bác sĩ mình giỏi chả kém nước ngoài đâu, do điều kiện của mình thôi”- Chủ tịch Quốc hội nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm