Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế: Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi là một luật khó

(PLO)- Bà Đào Hồng Lan cho rằng Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi là một luật khó, Bộ Y sẽ tích cực phối hợp cùng Ủy ban Xã hội của Quốc hội tiếp thu và hoàn thiện luật.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thông tin trên được Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trao đổi tại Phiên họp toàn thế lần thứ 7 cho ý kiến về dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) diễn ra sáng ngày 28-9, tại TP.HCM.

Dưới sự điều hành của bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), nhằm tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện dự án luật trước khi trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 4.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: Kim Vân

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: Kim Vân

Đề cập về vấn đề ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh, GS.BS Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội khóa XV cho hay: "Tôi tự hỏi sao phải căng chuyện ngôn ngữ? Có hai mục đích. Một là để khám chữa bệnh cho tốt, hai là để ngăn chặn những người nước ngoài không đủ trình độ, năng lực qua đây khám chui khám lủi. Nhiều bác sĩ Trung Quốc sang đây hành nghề không ai biết bằng của họ xuất phát từ đâu. Vậy theo tôi, mình xây dựng luật thế nào để làm tốt hai vấn đề này".

Theo GS. Nguyễn Anh Trí, mấy chục năm thực tiễn làm tại bệnh viện, đơn vị của ông có người nước ngoài vào làm việc rất nhiều. Tuy nhiên, ông thấy rằng những bác sĩ giỏi và chân chính lúc nào cũng muốn có người phiên dịch, ngôn ngữ phải được thông hiểu. Ngoài ngôn ngữ, ông thấy có nhiều công cụ khác hỗ trợ.

Cạnh đó, ông Trí cũng nói về vấn đề giá. Theo ông Trí, giải quyết được giá thì tất cả các vấn đề phức tạp liên quan đến điều hành y tế sẽ được giải quyết.

Đại biểu Đỗ Thị Lan - Ủy viên Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội góp ý. Về điều 4 của chính sách nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, mặc dù trong dự thảo luật đưa ra nhiều chính sách khám bệnh, chữa bệnh như: miễn giảm trong khám bệnh, chữa bệnh, cấp cứu ngoại viện, chính sách đãi ngộ về khám bệnh, chữa bệnh... đây đều là những chính sách cần có, tuy nhiên lại thiếu hướng dẫn để thực hiện bởi vẫn chung chung.

Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan chia sẻ, từ sau thời gian về Bộ Y tế nhận quyết định công tác, bà dành nhiều thời gian cho Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi.

Bà Lan cho biết, Luật khám bệnh, chữa bệnh là một luật khó lại diễn ra trong bối cảnh ngành y có rất nhiều vấn đề phải xử lý. Trong khi đó, vấn đề mong muốn của đại biểu Quốc hội là làm sao luật này nếu được ban hành thì phải giải quyết được những vấn đề mà ngành y hiện đang gặp phải.

Người đứng đầu Bộ Y tế cũng cho biết, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi trong bối cảnh Quốc hội và Chính phủ cũng đang sửa đổi rất nhiều luật khác. Chính vì vậy, có những vấn đề xử lý trong luật này và có những vấn đề phải xử lý đồng hành trong những luật khác. Đơn cử như vấn đề đấu thầu, giá, bởi ngoài giá khám, chữa bệnh, đấu thầu quy định trong ngành y, có những nguyên tắc, nguyên lý của Luật Giá, Luật Đấu thầu.

Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Xã hội của Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý. Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, đây là "sản phẩm chung" của Ủy ban Xã hội của Quốc hội và Bộ Y tế và bà mong lãnh đạo Ủy ban Xã hội của Quốc hội khi kết luận thì 'gút' lại các vấn đề để làm sao để cả hai có được tiếng nói chung.

"Mục tiêu của chúng tôi khi xây dựng Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) này để sửa Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009. Đó là cách tiếp cận lấy người bệnh là trung tâm, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Đây là mục tiêu chính của Luật Khám bệnh, chữa bệnh khi sửa đổi", Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay.

Kết luận buổi thảo luận cho ý kiến về dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, vào giai đoạn này tất cả các cơ quan soạn thảo, kiểm tra đều đang giúp việc cho Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc tiếp thu, chỉnh lý và giải trình theo ý kiến của đại biểu quốc hội.

Ủy ban Xã hội của Quốc hội sẽ phối hợp với Bộ Y tế tiếp thu, chỉnh lý thấu đáo để có một dự thảo tốt nhất để báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 4 tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm