Chiều 25-5, Quốc hội nghe tờ trình, thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay dự luật được thiết kế gồm 12 chương và 106 điều, thêm ba chương so với luật hiện hành.
Theo dự thảo, các chức danh phải được kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề. Ảnh: NGUYỆT NHI |
Luật cũ nảy sinh nhiều bất cập
“Luật Khám bệnh, chữa bệnh được ban hành từ năm 2009 đã tạo hành lang pháp lý vô cùng quan trọng cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh. Song sau hơn 11 năm triển khai thi hành đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết” - Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Cụ thể, theo ông Long, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 không quy định thời hạn giá trị của chứng chỉ hành nghề, gây khó khăn trong việc theo dõi, giám sát quản lý chất lượng hành nghề. Quy định này cũng không phù hợp thông lệ quốc tế, khi nhiều nước trên thế giới đều quy định cấp giấy phép hành nghề có thời hạn.
Dự luật quy định nếu sau năm năm kể từ thời điểm được cấp phép hành nghề, người hành nghề đạt đủ số điểm theo quy định sẽ được tự động gia hạn giấy phép hành nghề.
Luật hiện hành cho phép người hành nghề là người nước ngoài được sử dụng phiên dịch làm xuất hiện tình trạng người phiên dịch lợi dụng vị trí để hành nghề trái phép; hạn chế trong khai thác tiền sử bệnh tật, các dấu hiệu lâm sàng… do bất đồng ngôn ngữ giữa người hành nghề, người phiên dịch và người bệnh.
Ngoài ra, qua phòng chống dịch COVID-19 cho thấy các vấn đề về điều động nhân lực; cấp giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; khám bệnh, chữa bệnh từ xa; kê đơn, cấp phát thuốc cho người bệnh… cũng bộc lộ hạn chế, bất cập.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, để khắc phục những bất cập trên, dự thảo luật đã được xây dựng theo hướng “lấy người bệnh làm trung tâm” thông qua việc quy định đồng thời các giải pháp về: Nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính…
Cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí cấu thành, đảm bảo tính phù hợp, toàn diện và khả thi theo tinh thần của Nghị quyết 20-NQ/TW và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp 10.
Sẽ cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
có thời hạn
Đề cập đến các quy định về nâng cao, chuẩn hóa kỹ năng của người hành nghề, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết dự thảo quy định theo hướng các chức danh (bác sĩ, y sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; điều dưỡng; hộ sinh; kỹ thuật y; dinh dưỡng; cấp cứu viên ngoại viện (paramedic) phải được kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề.
Còn các đối tượng là lương y, người có bài thuốc gia truyền, người có phương pháp chữa bệnh gia truyền thì tiếp tục áp dụng hình thức xét cấp dựa vào hồ sơ.
Dự luật cũng quy định người hành nghề phải cập nhật kiến thức y khoa liên tục. Theo đó, nếu sau năm năm kể từ thời điểm được cấp phép hành nghề, người hành nghề đạt đủ số điểm theo quy định thì sẽ được tự động gia hạn giấy phép hành nghề.
Chính phủ trình hai phương án về thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề. Trong đó, phương án 1 giao Hội đồng y khoa quốc gia cấp, thu hồi giấy phép hành nghề. Phương án 2, Hội đồng y khoa quốc gia thực hiện việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người đề nghị cấp giấy phép hành nghề.
Trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội (UBXH) Nguyễn Thúy Anh cho biết: “Các ý kiến trong ủy ban thấy rằng quy định như phương án 1 là “chưa phù hợp””. Bởi việc Hội đồng y khoa quốc gia cấp, thu hồi giấy phép hành nghề thì chức năng như các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Nhưng chưa rõ địa vị pháp lý của tổ chức này, cũng như chưa quy định rõ cách thức tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Đề xuất quy định giá khám bệnh, chữa bệnh ở phòng khám tư
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết dự thảo luật cũng thay đổi từ cách tiếp cận giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Giá này bao gồm các nhóm yếu tố chi phí trực tiếp, tiền lương; chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định; thuốc, sinh phẩm, vật tư; dịch vụ khám, chữa và các chi phí khác liên quan.
“Quy định như trên nhằm khuyến khích, thúc đẩy các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đầu tư để nâng cao khả năng cung cấp cũng như chất lượng của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh” - Bộ trưởng Long nói. Ông cho hay việc xây dựng, quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.
Trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm UBXH Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh: “Khám bệnh, chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, liên quan đến an sinh xã hội, do vậy thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vẫn cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá”.
Nhiều ý kiến trong UBXH thống nhất với quy định cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Giá nhưng cần bổ sung quy định nguyên tắc xây dựng giá dịch vụ y tế khối tư nhân.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác thấy rằng cần quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân để đảm bảo quyền của người bệnh.•
Cần tính lại việc đưa bác sĩ mới ra trường về trạm y tế xã
Sáng 25-5, tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, cho biết thời gian chống dịch vừa qua, y tế cơ sở được đánh giá là rất quan trọng.
Việc tăng cường hệ thống y tế cơ sở là một nội dung quan trọng, tuy nhiên cần tránh tình trạng đầu tư trạm y tế xã thành bệnh viện huyện, tỉnh, dễ dẫn đến lãng phí.
Bày tỏ quan điểm làm sao để phục vụ nhân dân hiệu quả nhất, ông Thức thẳng thắn: “Đầu tư y tế cơ sở, đặc biệt là trạm y tế xã vùng sâu, vùng xa không phải cứ đưa về trang thiết bị y tế hiện đại, mà là vừa đủ với chức năng, nhiệm vụ tại đó. Quan trọng nhất vẫn là đầu tư về mặt con người, vì nếu có cơ sở vật chất rồi mà bác sĩ không biết kết luận thì cũng như không”.
Về chính sách đưa bác sĩ trẻ mới ra trường về trạm y tế xã, ông Thức bày tỏ quan điểm không đồng tình. Theo ông, bác sĩ trẻ mới ra trường cần được vào các bệnh viện lớn, nơi có thầy cô, đồng nghiệp và cả những trang thiết bị hiện đại hỗ trợ. Ông Thức cũng cho rằng cần luân chuyển bác sĩ tuyến tỉnh, tuyến huyện đã công tác trên hai năm, nhiều kinh nghiệm về trạm y tế xã trong vòng sáu tháng hoặc một năm. Cạnh đó, các bác sĩ ở trạm y tế xã phải luân chuyển lên tuyến trên để học, trao đổi, phát triển chuyên môn. Nếu cứ ở suốt trạm y tế xã thì chuyên môn có thể bị mai một.