Sẽ luật hóa Hội đồng Y khoa quốc gia

(PLO)- Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua còn nhiều ý kiến khác nhau về Luật Khám bệnh, chữa bệnh nên Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận tiếp để kịp trình trong kỳ họp bất thường.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) khai mạc hôm nay (13-12) sẽ cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng, trong đó có cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Bàn thảo thêm vì còn nhiều ý kiến khác nhau

Tại kỳ họp thứ tư vừa qua, QH đã thảo luận, cân nhắc và nhất trí chưa thông qua dự luật này để có thêm thời gian hoàn thiện, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu thiết thực cả trước mắt và lâu dài của ngành y tế.

Nếu không có gì thay đổi, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ được QH xem xét thông qua tại kỳ họp bất thường, dự kiến tổ chức ngay sau kỳ nghỉ tết Dương lịch, bảo đảm thời gian có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2024 theo đúng kế hoạch.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại kỳ họp Quốc hội ngày 24-10-2022. Ảnh: T.THẮNG

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại kỳ họp Quốc hội ngày 24-10-2022. Ảnh: T.THẮNG

Để chuẩn bị cho nội dung này, hôm 7-12, Chính phủ đã có báo cáo Ủy ban Thường vụ QH về tiếp thu, chỉnh lý dự án luật theo ý kiến của đại biểu QH, do Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thừa ủy quyền Thủ tướng ký, ban hành.

Chưa thể tháo gỡ vướng mắc
cơ chế tự chủ bệnh viện công

Với tính chất là cơ quan trình sáng kiến lập pháp, trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Chính phủ cũng như Bộ Y tế không đề xuất tháo gỡ vướng mắc cơ chế tự chủ bệnh viện công bằng dự luật này.

Tuy nhiên, quá trình thảo luận tại QH, một số đại biểu nêu vấn đề và đề nghị phải giải quyết các vướng mắc này bằng Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Báo cáo giải trình của Chính phủ cho biết đây là vấn đề phức tạp, liên quan tới nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước, nhiều luật và văn bản dưới luật trong các lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, nếu có thì chỉ bổ sung vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) một mục nhỏ về tài chính y tế.

Còn về lâu dài, bệnh viện công cũng tương tự như các đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cần có một luật riêng thì mới có thể giải quyết triệt để các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chủ trương của Đảng từ trước đến nay về xã hội hóa dịch vụ công.

Báo cáo này dành một phần cho chế định Hội đồng Y khoa quốc gia - nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình QH thảo luận, cho ý kiến.

Theo đó, luật hiện hành ban hành năm 2009 không quy định về Hội đồng Y khoa quốc gia. Tuy nhiên, từ nhu cầu thực tiễn, tổ chức này đã được Thủ tướng thành lập và đang hoạt động với nhiệm vụ chuẩn bị các nội dung phục vụ tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề.

Như vậy, Hội đồng Y khoa quốc gia đang được tổ chức cho hoạt động tư vấn, chứ chưa phải là cơ quan hoạt động chuyên nghiệp như kinh nghiệm của các nước trên thế giới, theo một trong ba mô hình: (1) Độc lập với cơ quan quản lý nhà nước, như ở Mỹ, Canada, Anh, Thái Lan; (2) Nằm trong cơ quan quản lý nhà nước về y tế, như ở Nhật Bản, Trung Quốc; (3) Tổ chức phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với hội nghề nghiệp.

Sẽ giao Chính phủ quy định chi tiết sau khi luật thông qua

Về phương thức hoạt động, Hội đồng Y khoa quốc gia hiện hành là một cơ quan có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động như thành lập các ban chuyên môn để xây dựng bộ câu hỏi đánh giá năng lực; tổ chức kiểm tra, đánh giá theo hình thức thi trực tuyến tương tự như sát hạch lý thuyết lái ô tô.

Kinh phí hoạt động bước đầu được cấp từ ngân sách nhà nước thông qua Bộ Y tế, các nguồn tài trợ, viện trợ (nếu có) và về lâu dài sẽ hoạt động từ nguồn thu phí kiểm tra, đánh giá năng lực.

Với thực tiễn như vậy, Chính phủ cho rằng Luật Khám bệnh, chữa bệnh không nên đi vào cụ thể thẩm quyền thành lập mà chỉ quy định nguyên tắc về vị trí pháp lý, nhiệm vụ và giao Chính phủ quy định cụ thể.

Theo hướng tiếp cận này, Chính phủ đề nghị quy định trong luật Hội đồng Y khoa quốc gia là tổ chức có chức năng đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; có con dấu và trụ sở riêng.

Hội đồng này có các nhiệm vụ cơ bản như ban hành bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề; tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về kết quả kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định pháp luật.

Chính phủ sẽ quy định chi tiết điều này.

Đây là mô hình mới, trước mắt Hội đồng Y khoa quốc gia sẽ tiến hành các hoạt động với chức danh bác sĩ, chậm nhất là từ năm 2029, để rồi từ năm 2032 sẽ mở rộng tới các chức danh chuyên môn còn lại của nghề khám chữa bệnh.

Quyết định việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo
Luật Đất đai sửa đổi

Ngoài Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), tại phiên họp thứ 18 dự kiến kéo dài từ ngày 13 đến 16-12, Ủy ban Thường vụ QH sẽ xem xét, quyết định việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi); cho ý kiến việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; xem xét việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021; xem xét, quyết định việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia.

Đáng chú ý, các thành viên Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 kỳ họp thứ nhất QH khóa XV và đề xuất một số cơ chế, chính sách về y tế.

Thường vụ QH cũng cho ý kiến và thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND.

Dự kiến phiên họp này xem xét báo cáo công tác dân nguyện của QH tháng 10 và tháng 11-2022; xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm và miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam cùng nhiều nội dung quan trọng khác.

Ngoài ra, Thường vụ QH cũng dành một ngày dự phòng (21-12) để xem xét cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường lần thứ hai QH khóa XV; cho ý kiến về giải pháp xử lý, bất cập tại một số trạm thu phí, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT; cho ý kiến quy hoạch tổng thể quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch và một số nội dung khác cần trình QH tại kỳ họp bất thường lần thứ hai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm