Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về phê duyệt chủ trương đầu tư cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng).
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Cao Bằng thực hiện quy định tại Nghị định 63/2018 về đầu tư theo hình thức đối tác công – tư. Trong đó, bổ sung báo cáo thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định pháp luật về đầu tư công đối với phần vốn ngân sách Nhà nước.
Dự kiến hướng đi của tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Ảnh: Internet
Theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, năm 2016 đến năm 2020 và định hướng đến 2030, dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có chiều dài toàn tuyến hơn 144 km, thời gian đầu tư là sau năm 2030 với tổng vốn đầu tư hơn 47.520 tỉ đồng (hơn 2 tỉ USD), có vay vốn Trung Quốc hơn 300 triệu USD.
Tuy nhiên, sau khi khảo sát, tỉnh Cao Bằng có đề xuất phương án nghiên cứu đầu tư dự án trên với chiều dài 115 km (giảm 29km so với quy hoạch) và rút ngắn vốn đầu tư xuống gần 21.000 tỉ đồng (910 triệu USD), giảm gần 26.600 tỉ đồng so với tổng mức ban đầu (hơn 1,1 tỉ USD).
Tại buổi làm việc vào cuối năm 2018 với tỉnh Cao Bằng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhất trí chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc nối Cao Bằng với Lạng Sơn dài khoảng 115 km theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Đồng thời, nhất trí dự án sẽ sử dụng ngân sách hơn 7.500 tỉ đồng và gần 13.900 tỉ đồng còn lại là vốn của nhà đầu tư, vốn vay.
Được biết theo dự kiến, dự án triển khai hai giai đoạn. Giai đoạn một từ năm 2019 - 2020, đầu tư đoạn tuyến từ Tân Thanh (Lạng Sơn) đến TP. Cao Bằng với chiều dài khoảng 80km. Giai đoạn hai, đầu tư xây dựng đoạn tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cao Bằng và đoạn từ TP. Cao Bằng đến cửa khẩu Trà Lĩnh.
Đường từ Hà Nội đến Cao Bằng hiện dài 280 km, ôtô di chuyển mất 5,5-6 giờ. Sau khi các tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Hữu Nghị - Chi Lăng, Đồng Đăng - Trà Lĩnh hoàn thành, thời gian di chuyển sẽ rút ngắn xuống còn 2-2,5 giờ. |