Theo USA Today, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đặt chân đến Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 24-8 nhằm cải thiện mối quan hệ giữa Mỹ với liên minh của NATO.
Ông Biden dự kiến lặp lại những lo ngại của phía Mỹ về sự trấn áp tự do ngôn luận cũng như các đối thủ chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng sẽ nhắc lại yêu cầu Mỹ dẫn độ giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen đang sống lưu vong ở Pennsylvania, Mỹ trở về đất nước ông.
Giáo sĩ Fethullah Gulen, 75 tuổi, là nhân vật bị ông Erdogan cáo buộc là kẻ chủ mưu đêm đảo chính bất thành 15-7. Tuy nhiên, ông Gulen đã bác bỏ mọi cáo buộc liên quan tới cuộc binh biến trên. Ankara cũng nhiều lần yêu cầu Washington dẫn độ ông Gulen để xét xử nhưng Mỹ từ chối. Đây cũng chính là sự khởi mào cho mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” Mỹ-Thổ.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner ngày 23-8 thông báo Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức đệ trình yêu cầu dẫn độ giáo sĩ Gulen. Ông Toner cho biết yêu cầu trên không liên quan tới cuộc đảo chính gần đây nhưng từ chối cung cấp chi tiết. “Chúng tôi đang xem xét giá trị của yêu cầu này” - Toner nói.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden(trái) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tại cung điện Beylerbeyi, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ năm 2014. Ảnh: Reuters
Trong chuyến thăm Ankara lần này, Phó Tổng thống Mỹ cũng sẽ nhấn mạnh chuyện Washington “đang ủng hộ mạnh mẽ” Thổ Nhĩ kỳ, Nhà Trắng cho biết trong tuần này. Ông Biden cũng sẽ gặp Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim.
“Phó Tổng thống Mỹ cũng sẽ tái khẳng định Mỹ đang làm mọi thứ để hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ truy cứu trách nhiệm những người gây ra vụ đảo chính, song cũng khẳng định cần phải thượng tôn pháp luật” - một quan chức giấu tên nói với Reuters.
Giữa lúc quan hệ hai nước căng thẳng, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin Tổng thống Erdogan dự kiến công du Iran vào 24-8, có thể để thúc đẩy mối quan hệ mới. Chuyến công du Iran của ông Erdogan diễn ra sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thăm Nga trong tháng này để cải thiện quan hệ.
“Rõ ràng bằng cách xích lại gần Nga và Iran, Tổng thống Erdogan đang muốn gửi đi một thông điệp rằng ông ấy không hài lòng với thái độ của phương Tây” - Bulent Aliriza, chuyên gia phân tích Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc tế nói với AP.
Theo ông, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một thành viên của NATO và mong muốn gia nhập Liên minh châu Âu (EU) nhưng tình hình dường như tệ hơn thời điểm trước đảo chính.
Sau đảo chính bất thành, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã sa thải và bỏ tù hàng ngàn người làm việc trong quân đội, truyền thông, ngành tư pháp, giáo dục. Tổng thống Obama đã lên án cuộc đảo chính nhưng yêu cầu ông Erdogan bảo vệ các quyền lợi cá nhân trong khi truy cứu trách nhiệm.