Ngày 21-7, tại TP Pleiku (tỉnh Gia Lai), Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên tổ chức hội thảo tăng cường sự cam kết của chính quyền và hợp tác đa ngành trong phòng - chống bệnh dại.
Hội thảo tăng cường sự cam kết của chính quyền và hợp tác đa ngành. Ảnh: NN. |
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, từ đầu năm đến nay, toàn quốc ghi nhận 43 trường hợp tử vong do bệnh dại. Trong đó, miền Bắc 20 ca, miền Nam 9 ca, miền Trung 5 ca và khu vực Tây Nguyên 11 ca (riêng Gia Lai 8 ca, là địa phương đứng đầu toàn quốc về số ca tử vong do bệnh dại).
Qua giám sát, 100% các ca tử vong do không đi tiêm phòng vắc xin dại. Bệnh dại được xác định là bệnh gây tử vong nhiều nhất trong các bệnh truyền nhiễm với khoảng 70 người chết mỗi năm dù đã có vắc xin cho cả người và động vật.
Hàng năm, bệnh dại tiêu tốn 800 tỉ đồng cho vắc xin và huyết thanh kháng dại cho người. Bệnh còn gây ảnh hưởng đến các vấn đề an sinh xã hội và các khía cạnh khác của đời sống.
Công tác phòng - chống bệnh dại hiện còn gặp nhiều khó khăn và tồn tại, do: nuôi chó chủ yếu là thả rông, tỉ lệ tiêm vắc xin dại cho đàn chó tương đối thấp, người dân không tiêm phòng dại cho chó… và người dân còn chủ quan.
Tại hội thảo, nhiều giải pháp được đưa ra như xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ hoạt động giám sát phòng-chống bệnh dại; xây dựng kinh phí hỗ trợ tiêm phòng dại cho người nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách và các đối tượng ưu tiên khác theo quy định.
Người dân vẫn còn thói quen nuôi chó thả rông, nguy cơ gây bệnh dại. |
Các địa phương quan tâm triển khai tập huấn; tăng cường công tác giám sát đặc biệt chú trọng vai trò của nhân viên y tế thôn bản, phát hiện sớm các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại. Hỗ trợ các địa phương, đưa ra các giải pháp cung ứng vắc xin dại kịp thời cho các điểm tiêm tại tuyến huyện gặp khó khăn trong việc mua vắc xin.
Cụ thể nhất là xây dựng ít nhất một điểm tiêm phòng bệnh dại/huyện và thực hiện nghiêm túc việc điều tra thông tin ca bệnh để theo dõi.