Phóng kính viễn vọng vẽ bản đồ một tỷ ngôi sao trong vũ trụ

Theo hãng tin AP, vụ phóng được thực hiện từ bãi phóng Guiana vào lúc 9 giờ 12 phút GMT ngày 19/12 trên tên lửa đẩy Soyuz của Nga.

Phóng kính viễn vọng vẽ bản đồ một tỷ ngôi sao trong vũ trụ ảnh 1

Tên lửa mang vệ tinh Gaia rời bệ phóng bay vào quỹ đạo

Không lâu sau khi rời bệ phóng, Gaia đã mở tấm khiên mặt trời hình tròn đường kính 10m - một giai đoạn quan trọng trong sứ mệnh của tàu. Tấm khiên sẽ giúp bảo vệ các thiết bị nhạy cảm của con tàu trước các tia mặt trời, đồng thời tích tụ năng lượng mặt trời để cung cấp cho tàu.

“Mọi thứ diễn ra cực kỳ suôn sẻ”, Paolo Ferri, người đứng đầu nhóm điều hành chương trình tại Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết.

Gaia hiện đã vào quỹ đạo ổn định và đang hướng tới một điểm gọi là Lagrange 2 - ở phía bên kia của mặt trời so với Trái Đất và cách Trái Đất khoảng 1,5 triệu km. Khi vệ tinh đến được điểm này vào tháng tới, các thiết bị trên tàu sẽ được bật lên và đi theo một lộ trình mà ông Ferri miêu tả là “rất khác thường”, được thiết kế để giữ cho lưng của nó luôn xoay về phía mặt trời.

Timo Prusti, nhà khoa học của ESA tại dự án này so sánh mục tiêu của sứ mệnh này giống như chuyển từ phim 2 chiều sang phim 3 chiều. Tại thời điểm hiện tại, các nhà khoa học đang làm việc dựa trên một bản đồ hầu như “phẳng” của dải ngân hà.

“Chúng tôi muốn thấy được chiều sâu”, ông Prusti nói.

Phóng kính viễn vọng vẽ bản đồ một tỷ ngôi sao trong vũ trụ ảnh 2

Gaia sẽ lập bản đồ 3D về các ngôi sao

Được trang bị kính viễn vọng kép, Gaia sẽ nghiên cứu vị trí, khoảng cách, sự dịch chuyển, thành phần hóa học và độ sáng của một tỉ ngôi sao, tương đương 1% trong số 100 tỉ ngôi sao của dải ngân hà.

Dữ liệu này sẽ giúp các nhà khoa học xác định nguồn gốc và sự vận động của dải ngân hà, Jos de Bruijne phó giám đốc khoa học của chương trình Gaia cho biết. “Ý nghĩa hàng đầu của sứ mệnh này đó là thực hiện khảo cổ ngân hà”, ông de Bruijne nói. “Nó sẽ giúp hé lộ lịch sử thực sự của thiên hà của chúng ta”.

Dự án này sẽ là người kế nhiệm của vệ tinh Hipparcos, cũng do ESA phóng năm 1989 và đã đo đạc được vị trí của 100.000 ngôi sao.

Gaia, được đặt tên theo một vị thần của Hy Lạp cổ đại, sẽ còn làm được nhiều hơn Hipparcos. Các nhà khoa học khẳng định mức độ chính xác của kính viễn vọng này không khác nào đo đường kính sợi tóc người từ khoảng cách 1000 km.

Các công việc của dự án này sẽ bắt đầu trong khoảng 4 tháng rưỡi tới. Tổng chi phí của dự án là 740 triệu euro, tương đương 1 tỉ USD. Dự kiến Gaia sẽ hoạt động trong vụ trụ khoảng 5 năm.

Theo Thanh Tùng (Dân trí / AP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm