Bệnh thủy đậu còn có tên gọi khác như trái rạ. Bệnh do siêu vi trùng varicella - zoster herpes gây ra. Đây là bệnh rất hay lây. Bệnh lây qua đường hô hấp, siêu vi trùng gây bệnh có trong các chất tiết đường hô hấp, trong chất dịch của mụn nước (nốt rạ). Người lành hít phải chất tiết này khi người bệnh ho hay hắt hơi sẽ bị bệnh.
Một số trường hợp hiếm hơn bệnh có thể bị lây do tiếp xúc với mụn nước, dụng cụ sinh hoạt có chứa siêu vi trùng gây bệnh. Siêu vi trùng này có thể lây từ mẹ sang bé sơ sinh khi còn trong bào thai hay khi sinh và gây bệnh cho trẻ sơ sinh.
Bệnh thủy đậu thường đột ngột với triệu chứng nổi mụn nước ở vùng đầu mặt, chi và thân. Ảnh: Lê Phương.
Bệnh thủy đậu thường gặp ở trẻ em. Người lớn nếu chưa mắc bệnh khi tiếp xúc với người bệnh cũng bị lây và bệnh nặng hơn trẻ em, có thể là nguồn lây cho trẻ em trong nhà. Bệnh thường xảy ra rải rác quanh năm, nhưng xuất hiện nhiều từ tháng giêng đến tháng sáu. Khoảng 70% số trường hợp mắc bệnh trong năm gặp trong những tháng này.
Bệnh thủy đậu xuất hiện 10-14 ngày sau khi tiếp xúc với người bệnh. Khởi phát bệnh thường đột ngột với triệu chứng nổi mụn nước ở vùng đầu mặt, chi và thân. Mụn nước xuất hiện rất nhanh trong vòng 12-24 giờ có thể nổi toàn thân. Mụn nước có kích thước từ 1-3 mm đường kính, chứa dịch trong. Những trường hợp nặng mụn nước sẽ to hơn hay khi nhiễm thêm vi trùng mụn nước sẽ có màu đục do chứa mủ.
Bên cạnh mụn nước trẻ nhỏ thường kèm sốt nhẹ, biếng ăn nhưng ở người lớn hay trẻ lớn thường kèm sốt cao, đau đầu, đau cơ, nôn ói. Bệnh kéo dài 7-10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt rạ sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước nhưng không để lại sẹo. Trường hợp bị nhiễm thêm vi trùng mụn nước có thể để lại sẹo.
Biến chứng nhẹ của bệnh là nhiễm trùng da nơi mụn nước, nặng hơn vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu gây nhiễm trùng huyết. Các biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não… có thể nguy hiểm đến tính mạng, hay để lại di chứng sau này.
Phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm vì sẽ dễ bị biến chứng nặng, đặc biệt là viêm phổi. Khi phụ nữ mang thai bị thủy đậu ở 3 tháng đầu của thai kỳ siêu vi trùng sẽ lây qua bào thai sẽ gây sảy thai, hay khi sinh ra trẻ sẽ bị thủy đậu bẩm sinh với nhiều dị tật như đầu nhỏ, co gồng tay chân, bại não, sẹo bẩm sinh… Trong những ngày sắp sinh hay sau sinh, trẻ bị lây bệnh sẽ diễn tiến rất nặng với mụn nước nổi rất nhiều và dễ bị biến chứng viêm phổi.
Bệnh thủy đậu nếu nhẹ có thể điều trị tại nhà mà không cần nhập viện. Trẻ chỉ cần nhập viện khi có biến chứng. Hiện nay bệnh đã có thuốc điều trị đặc hiệu chống siêu vi trùng gây bệnh là thuốc Acyclorvir nhưng cần phải điều trị sớm trong 2-3 ngày đầu và chi phí cao. Bên cạnh điều trị thuốc chống siêu vi trùng là điều trị hạ sốt, vệ sinh thân thể tránh các biến chứng nhiễm trùng, không cần phải kiêng cữ gì. Điều quan trọng là phải theo dõi và phát hiện kịp thời các biến chứng và nên tránh các thuốc có thể gây bệnh nặng hơn như corticoide.
Để phòng bệnh, nếu chỉ cách ly không tiếp xúc với người bệnh sẽ không hiệu quả. Vì khi chưa nổi mụn nước thì người bệnh đã có thể lây cho người lành và khả năng lây này còn kéo dài nhiều ngày sau khi mụn nước đã lành hẳn.
Cách phòng ngừa hiệu quả bệnh thuỷ đậu hiện nay là chích ngừa. Trẻ có thể bắt đầu chích ngừa từ 18 tháng tuổi hay bất kỳ ở lứa tuổi nào sau đó khi có điều kiện. Có một quan niệm sai lầm thường gặp ở phụ huynh là chỉ nghĩ đến chích ngừa khi xung quanh có nhiều trẻ bệnh (từ tháng giêng đến tháng sáu). Tuy nhiên chích vào thời điểm này thì khả năng phòng ngừa ít hơn vì có thể trẻ đã tiếp xúc với siêu vi trùng gây bệnh rồi. Thời điểm chích ngừa tốt nhất là khi bé bắt đầu đi nhà trẻ hay lúc 12 đến tháng 18 tuổi.
Các quan niệm sai lầm
Kiêng tắm, kiêng ăn: Làm như vậy bé sẽ dễ bị nhiễm trùng do da ẩm ướt không sạch. Kiêng ăn sẽ làm trẻ suy dinh dưỡng thêm, giảm sức đề kháng khó lành bệnh.
Kiêng gió, trùm kín để xổ ra hết không lậm vào nội tạng. Điều này sai vì trẻ ra càng ít là sức đề kháng tốt và ít biến chứng hơn.
Tắm hay uống nước gốc rạ: Không có giá trị chữa bệnh, có thể gây nhiễm trùng thêm hay ngộ độc hóa chất nông nghiệp có trong gốc rạ.
Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1
Theo vnexpress