Sinh viên NTNA đang học năm hai khoa Luật Dân sự khóa 40, ĐH Luật TP.HCM ngày 11-1 bị phát hiện mang theo tám quyển giáo trình phôtô đến trường. NA sau đó bị nhà trường ra quyết định đình chỉ một năm học vì “sao in và phát hành các loại giáo trình, tài liệu học tập trái với các quy định của nhà trường và của pháp luật”.
Đây là một vụ xử lý kỷ luật trong nhà trường gây chấn động, được dư luận đặc biệt quan tâm. Hàng trăm bạn đọc đồng loạt lên tiếng, bình luận rầm rộ trên trang báo Pháp Luật TP.HCM online và cả mạng xã hội.
Phần lớn ý kiến đều phản đối cách xử lý của ĐH Luật, cho rằng quá nặng tay thậm chí sai quy định. Tuy nhiên, “bản án” này có thực sự đáng bị lên án như vậy hay không? Để nhận định chính xác, có lẽ cả sinh viên, nhà trường và xã hội phải bỏ đi lối suy nghĩ và hành xử theo thói quen để nghiêm túc suy xét “làm thế nào cho đúng?”
Quyết định xử lý kỷ luật của Trường ĐH Luật
Phôtô sách để học tốt sao lại bị đình chỉ?
Vì tám quyển sách phôtô mà một sinh viên phải ngừng việc học của mình trong vòng một năm, ảnh hưởng mọi kế hoạch học tập, tiến độ và dự định tương lai, xáo trộn hoàn toàn cuộc sống của sinh viên này. Đó là chưa kể rất nhiều chi phí phải gánh thêm, những cơ hội vàng mà em có thể đánh mất vì sự chậm trễ này.
Lý do dư luận, đặc biệt là những bạn sinh viên cảm thấy ấm ức, bất mãn là vì chuyện phôtô giáo trình, tài liệu để học tập ở đâu chẳng có.
Rất nhiều người đã trải qua thời sinh viên chỉ bằng những quyển giáo trình phôtô, thậm chí là phôtô lại từ sách phôtô. Việc sử dụng sách in, có bản quyền ở nước ta không được ưu tiên bởi hai lý do: Giá cả và thói quen.
Bạn đọc Tấn Thi chia sẻ vui: “Trong đầu chúng ta ngày nay có lẽ toàn là những kiến thức có được từ vi phạm pháp luật. Ngày xưa toàn sử dụng bản phôtô, thư viện trường cũng phôtô cho sinh viên. Ngày nay thì toàn google.”
Ít ai nghĩ rằng sử dụng giáo trình phôtô là vi phạm bản quyền. Cho dù có thì cũng lập luận "nếu cuốn giáo trình có in rõ Cấm sao, chụp để phát hành và sử dụng bản sao, chụp khi chưa được phép của tác giả thì đã không ai khiếu nại, ấm ức...” như độc giả Anh Tưởng nói.
Phôtô tài liệu là việc làm "quen thuộc" của sinh viên
Vì vậy, dù NA đã vi phạm một trong 10 hành vi không được thực hiện (theo nội quy nhà trường) là “sao in và phát hành các loại giáo trình, tài liệu học tập trái với các quy định của nhà trường và của pháp luật” thì hàng trăm độc giả vẫn bảo vệ em bởi nếu dựa vào chữ “tình” thì hình phạt này là quá nặng.
Có ý kiến cho rằng phôtô giáo trình là sinh viên đã cố gắng vượt khó để đảm bảo việc học được tốt, điều ấy rất đáng quý nhưng trường lại đình chỉ học tập là một quyết định có phần đi ngược với tôn chỉ, mục đích, nguyện vọng và nhu cầu của cả sinh viên, xã hội và cơ sở giáo dục.
“Tôi không ủng hộ hình thức kỷ luật này. Môt quyết định cứng nhắc và không nhân văn” - là ý kiến của bạn Le Hoang Anh.
“Dù luật nào cũng phải xét tới tình người, nếu hành vi vi phạm ấy không ảnh hưởng tới cộng đồng và xã hội thì nên xem xét lại. Một người bình thường còn phải xét nhiều yếu tố, huống hồ một em sinh viên nghèo”, là ý kiến của bạn đọc Núi Xanh. Ý kiến này nhận được nhiều sự đồng tình.
Để củng cố thêm căn cứ pháp lý, bạn đọc Cong đã chỉ ra hai điểm sai trong quyết định của Trường Luật. Một là căn cứ Luật Giáo dục ĐH, Thông tư 10 năm 2016 của Bộ GD&ĐT về xử lý kỷ luật sinh viên nêu: “Hình phạt đình chỉ học tập có thời hạn áp dụng đối với những sinh viên đang trong thời gian bị cảnh cáo mà vẫn vi phạm kỷ luật hoặc vi phạm nghiêm trọng các hành vi sinh viên không được làm; sinh viên vi phạm pháp luật bị xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo...", sinh viên NA không thuộc trường hợp nào trong quy định trên.
Thứ hai, thẩm quyền quyết định bạn sinh viên ấy có vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ hay không không thuộc hiệu trưởng mà thuộc tòa án.
Xử đúng chứ không xử nặng nhẹ
Sinh viên ĐH Luật TP.HCM mua giáo trình tại trường. Ảnh: QUỲNH NHƯ
Ngược với luồng ý kiến trên là hàng loạt bình luận mạnh mẽ không kém ủng hộ quyết định của Trường ĐH Luật.
“Cần giáo dục các luật sư, thẩm phán, KSV... tương lai có ý thức tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ từ khi còn ngồi ghế nhà trường, như vậy là đúng và cần thiết. Viết một cuốn giáo trình chất lượng tốn rất nhiều công sức và tiền của nhưng lại bị sao chép tràn lan thì ai dám đầu tư nâng cao chất lượng giáo trình?” - độc giả Phan Tấn Tài thẳng thắn nói.
Đồng tình, bạn Hung Nguyên nhận định: “Đây sẽ là bài học cho sinh viên của nhiều trường khác phải tôn trọng tác quyền, không dám vi phạm bản quyền tác giả không chỉ trong giáo trình mà trong nhiều lĩnh vực khác nữa.”
Các độc giả cho rằng thói quen sử dụng “miễn phí tác quyền” trong nhiều lĩnh vực của chúng ta cần phải được loại bỏ. Đây cũng là độ chênh giữa các nước phát triển và đang phát triển. Trong khi sinh viên ở các nước như Mỹ, Nhật… không được quyền sử dụng sách phôtô, trường hợp không thể mua giáo trình gốc, sinh viên sẽ được mua hoặc cấp tài khoản để đọc giáo trình gốc bản mềm từ các thư viện thì sinh viên Việt Nam lại coi việc phôtô sách là bình thường.
Sinh viên tìm đọc giáo trình trong thư viện
Hoàn cảnh mỗi nơi một khác, tuy nhiên, bảo vệ tác quyền là một việc làm cần thiết trong xã hội văn minh và ý thức về tác quyền là điều mà công dân hiện đại nào cũng phải trang bị.
Thực tế với nhiều người đây là một thói quen chứ không hẳn vì lý do kinh tế. “Quan điểm không sao là một tai họa. Trong xã hội ta nhiều người nói câu này nhiều lần trong đời khi đối diện với quy định pháp luật. Vì vậy người học luật, hành nghề luật phải bỏ ngay suy nghĩ ấy mới mong là làm nghề được” bạn Ngoc Thang phân tích.
Những quyển sách phôtô có ở khắp mọi nơi
Kết luận lại, cũng như ý kiến của bạn đọc Duy Khang, nhiều độc giả cho rằng cách xử lý của nhà trường là đúng. Đây không phải là lần đầu có trường hợp vi phạm nên việc kỷ luật này không có gì là quá đáng. Hơn nữa, hình thức đình chỉ học tập mới mang tính răn đe đối với nhiều trường hợp khác.
*
* *
Có thể khi phải đối diện với hình phạt thì phản ứng tự vệ đầu tiên của bất cứ ai cũng là phản đối hoặc cho rằng quá nặng nề. Đối với trường hợp này, nhiều người cho rằng vì sao không cảnh cáo, khiển trách rồi mới đến đình chỉ?
Thế nhưng cũng chỉ vì quen nghĩ “sai thì nhắc” chứ không phải “sai thì xử lý” nên xã hội mới tồn tại quan niệm thâm căn cố đế “sai cũng không sao”.
Từ cái sai nhỏ dẫn đến sai lớn khoảng cách rất mong manh. Nếu chỉ dựa vào nhắc nhở thì sẽ không thể nghiêm túc trong bất kỳ chuyện gì được.
Sách in được khuyến khích sử dụng
Có thể quyết định lần này của Trường ĐH Luật là nghiêm khắc nhưng muốn xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật, muốn tạo nên sự thay đổi để tiến bộ thì phải điều chỉnh ngay từ thế hệ trẻ, trong đó tầng lớp sinh viên là đối tượng trí thức trẻ phải tiên phong.
Nếu chỉ nhìn một mình sinh viên NA thì thấy là xử nặng nhưng khi nhìn ra toàn hệ thống sẽ thấy mức độ cần thiết của tính nghiêm minh nếu muốn tạo lập một xã hội kỷ cương, ổn định.
Tuy nhiên, nếu việc xử lý em NA ở một mức độ khác nhẹ hơn thay vì đình chỉ học một năm thì có lẽ dư luận đã không phản ứng nhiều như thế.