Phụ cấp trực của nhân viên y tế có thể tăng gấp 3 lần: Cần thiết!

(PLO)- Bạn đọc đồng tình đề xuất tăng phụ cấp trực, phụ cấp với phẫu thuật viên, người phụ mổ, gây mê hồi sức... lên so với quy định hiện hành.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Vừa qua, báo Pháp Luật TP.HCM có bài “Phụ cấp trực của nhân viên y tế có thể tăng gấp 3 lần” về việc Bộ Y tế đề xuất tăng phụ cấp trực, phụ cấp với phẫu thuật viên, người phụ mổ, gây mê hồi sức... so với quy định hiện hành.

Phụ cấp trực.jpg
Nhân viên y tế tại BV Ung Bướu TP.HCM đang mổ cho bệnh nhân. Ảnh: TRẦN MINH

Theo Bộ Y tế, hiện các mức phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, phụ cấp chống dịch và mức hỗ trợ tiền ăn cho các đối tượng được áp dụng theo quy định tại Quyết định 73/2011/QĐ-TTg ngày 28-12-2011 là quá thấp, không còn phù hợp với tình hình kinh tế, đời sống hiện tại.

Tăng phụ cấp, để giữ sức khỏe của nhân viên y tế

Bạn đọc Thảo My bình luận: "Theo tôi, nhà nước nên điều chỉnh mức lương và phụ cấp ngoài giờ theo hướng tăng lên gấp 2-3 lần so với lương chính. Đối với một số ngành nghề đặc biệt, mức phụ cấp có thể tăng lên gấp 5-10 lần. Tuy nhiên, để được hưởng các chế độ này, người lao động phải đảm bảo hoàn thành đủ số giờ quy định trong tháng và trong năm. Điều này sẽ giúp minh bạch hơn trong việc đánh giá cống hiến và đóng góp".

Bạn đọc AnhTu82 chia sẻ quan điểm: "Phụ cấp trực của nhân viên y tế hiện nay là gần 100.000 đồng cho trực 24/24 giờ. Một số chuyên khoa trực cấp cứu rất cực; tuy nhiên phụ cấp trực chưa đủ 2 bữa ăn uống, mà muốn khỏe mạnh để có sức trực thì phải ăn đủ 3 bữa, chưa kể phải uống nước để sống, uống thực phẩm chức năng để khỏe mạnh. Ngoài ra, không chỉ có mỗi nhân viên y tế phải trực, còn nhiều ngành phải trực 24/24 giờ như khí tượng, phóng viên, hàng không,… Tôi đồng ý là phụ cấp trực hiện nay nên tăng, nhưng cũng phải tăng cho các ngành đặc thù khác nữa; mức tăng nên căn cứ theo lương cơ sở".

Bạn đọc Thanh Mai bình luận: "Tăng trực phụ cấp trực cho nhân viên y tế là rất đúng. Ai từng thức đêm mới thấu hiểu. Tôi từng công tác ở bệnh viện, ở các tuyến bệnh viện huyện trở lên làm liên tục 24/24 giờ sang ngày hôm sau".

Trước hai sinh mạng, ngành phụ sản áp lực nhân đôi

Một nhân viên quản lý điều dưỡng công tác khoảng 30 năm tại một bệnh viện phụ sản hạng 1, từng trải qua nhiều vị trí từ hộ sinh đến điều dưỡng trưởng, cho biết mỗi điều dưỡng trực 2-3 ngày mỗi tuần, tùy theo ca và xoay ca.

z5159835610409-f20030764912a4fb08b6f2541380ac91-240.jpg.webp
Đội ngũ y, bác sĩ cấp cứu Khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 2 trực cấp cứu. Ảnh: TRẦN MINH

Theo điều dưỡng này, sự cố ngoài ý muốn luôn có thể xảy ra, đặc biệt là ngành y nên nhân viên y tế rất áp lực. Ngành phụ sản lại còn đứng trước hai sinh mạng một lúc nên áp lực nhân đôi. Tiền lương và phụ cấp thì hơn 10 năm nay không thay đổi. Nếu chính sách lương thưởng chưa tương xứng với tính chất công việc thì sẽ gây khó trong thu hút nhân lực.

“Chúng tôi phải trực đêm nhiều, ít thời gian chăm sóc gia đình, dạy bảo con cái. Tính chất công việc thì đột xuất, phải hoàn thành ca trực và những vấn đề phát sinh xung quanh mới được về, khi trực cấp cứu thì thường xuyên phải về trễ. Các ca sinh đẻ thường vào ban đêm nên người trực rất cực.

Thực tế cho thấy, các bạn trẻ bây giờ không lựa chọn ưu tiên cho nghề hộ sinh, điều dưỡng nói riêng và ngành y nói chung như ngày xưa nữa. Lực lượng điều dưỡng, kỹ thuật viên của ngành y đang thiếu dần đi, và thời gian sắp tới sẽ còn thiếu nhiều nữa.

Chị may mắn làm ở bệnh viện thuộc top thu nhập khá nên chuyện nhân viên nghỉ việc vì thu nhập thì không có, nhưng nghỉ việc vì áp lực thì khá nhiều. Theo chị, nếu hai vợ chồng đều làm ngành y hay ngành có đặc thù trực đêm thì buộc một người phải nghỉ việc để có thể lo cho gia đình, hoặc làm kinh tế.

Một số điều dưỡng trẻ chưa có gia đình, để tăng thêm thu nhập, sau giờ làm họ sẽ nhận thêm những công việc khác như tắm em bé, chăm sóc phụ sản… Như vậy lại ít có thời gian học thêm, nâng cao trình độ.

Khi nghe Bộ Y tế có đề xuất tăng phụ cấp, tôi vui vì cảm thấy nghề của mình được quan tâm và công nhận, có thêm động lực để đóng góp công sức cho ngành nghề. Nếu đề xuất được thông qua sẽ ảnh hưởng tích cực đến việc thu hút nhân lực, bổ sung lực lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân” - điều dưỡng này bày tỏ.

Cần chính sách phù hợp cho bác sĩ gây mê chính

Bác sĩ gây mê mổ tim của một bệnh viện hạng đặc biệt cho biết đối với phẫu thuật tim, một ca mổ ngắn kéo dài khoảng 6 tiếng, ca mổ trung bình từ 8-10 tiếng, còn ca mổ dài có thể từ 15-20 tiếng. Vì vậy một ngày bác sĩ thường mổ khoảng 1-2 ca, mỗi ca phẫu thuật viên chính được trả 280.000 đồng/ca, phụ mổ thì thấp hơn.

Trước đây bác sĩ gây mê chính được tính tiền tương đương với phẫu thuật viên chính. Tuy nhiên trong dự thảo mới, phẫu thuật viên chính tăng thành 790.000 đồng/ca, nhưng bác sĩ gây mê chính chỉ được tính tương đương với phẫu thuật viên phụ, là chỉ tăng thành 565.000 đồng/ca.

“Hội gây mê hồi sức và các trung tâm gây mê hồi sức lớn đang làm văn bản trình lên Bộ Y tế với mong muốn đánh giá lại phụ cấp hiện nay đối với nhân viên y tế trong lĩnh vực này. Vì vai trò của bác sĩ gây mê rất quan trọng, đặc biệt trong những phẫu thuật loại đặc biệt như phẫu thuật tim, cần bác sĩ gây mê đào tạo lâu dài để làm những việc phức tạp. Công sức bỏ ra rất lớn mà mức độ chi trả nếu chưa phù hợp thì sẽ gây thiệt thòi cho các bác sĩ gây mê” - bác sĩ này chia sẻ.

Chia sẻ thêm, bác sĩ này cho biết thời gian để đào tạo được phẫu thuật viên chính hay bác sĩ gây mê hồi sức chính mổ tim trung bình khoảng 10 năm, là thời gian dài. Hơn nữa, áp lực công việc cũng khá lớn vì phải điều trị cho những ca bệnh rất nặng.

Bác sĩ lấy dẫn chứng ở bệnh viện tuyến dưới; khi có những bệnh nặng, quá khả năng điều trị thì sẽ chuyển lên tuyến trên. Như vậy tuyến cuối lúc nào cũng áp lực vì quá tải nhưng vẫn bắt buộc phải làm. Vì vậy phòng mổ tổng quát của bệnh viện tuyến cuối chỉ có hết giờ chứ không bao giờ hết việc.

“Sau 13 năm không tăng phụ cấp, nay Bộ Y tế đã có những chính sách quan tâm, giúp nhân viên y tế có điều kiện phát triển hơn. Nếu đề xuất tăng phụ cấp được thông qua sẽ giúp nâng cao thu nhập cho nhân viên y tế, từ đó có thêm động lực để chăm sóc sức khỏe cho người dân tốt hơn” - bác sĩ chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm