‘Phù phép’ sân cầu lông thành chục căn nhà để bán

Một vụ xây dựng sai phép khá hy hữu xảy ra ở địa bàn phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM đang khiến các đơn vị liên quan lúng túng vì cho rằng chưa có quy định xử lý triệt để. Trong khi đó, những căn nhà xây dựng sai phép vẫn được cò đất liên tục chào mời, rao bán.

Xin xây sân cầu lông nhưng bán… nhà

Khi cơn sốt đất ở khu vực phía Đông TP.HCM đang nóng lên từng ngày, một khu nhà xây sẵn ở đường số 41, khu phố 8, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức liên tục được cò đất chào mời với giá rẻ đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người đang có nhu cầu mua nhà. Dù hồ sơ pháp lý khu nhà này không rõ ràng nhưng do sợ giá nhà đất - đất tiếp tục tăng cao nên có người sẵn sàng chấp nhận rủi ro mua nhà bằng giấy tay.

Cuối tháng 4, trong vai người đang có nhu cầu cần mua nhà gấp để ở, chúng tôi được một cò đất dẫn đến khu vực trên để xem nhà. “Nhà ngang 5 m, dài 12 m mà giá chỉ 950 triệu đồng/căn là quá hời rồi. Mua xong dọn vào ở ngay rồi giấy tờ tính sau. Chứ đợi hợp thức hóa giấy tờ xong mới mua thì giá phải tăng lên gấp đôi” - cò đất hối thúc.

Theo giới thiệu của cò đất, khu nhà trên có hơn chục căn nhà. Một số căn được xây từ năm 2016 đã bán hết, số còn lại mới hoàn thành gần đây và đang trong quá trình hoàn thiện giấy tờ. “Hằng ngày có nhiều người đến xem những căn nhà này, anh không mua ngay thì sẽ hết. Còn những người đã mua nhà và dọn vào ở trước đó thì sẽ được sớm cấp giấy chứng nhận” - cò đất nói.

Sân cầu lông được “hô biến” thành nhiều căn nhà để bán. Dù cơ quan chức năng đã lập biên bản vi phạm, ra quyết định xử phạt nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Ảnh: KB

Ba năm xử lý chưa xong

Tài liệu chúng tôi thu thập được thể hiện khu đất tại địa chỉ trên là của ông Lê Tấn Tài, thường trú khu phố 5, phường Hiệp Bình Chánh. Cuối năm 2015, ông Tài được UBND quận Thủ Đức cấp phép xây dựng có thời hạn để làm công trình thể dục thể thao - sân cầu lông trên khu đất này với kết cấu tường gạch mái tôn, tổng diện tích sàn xây dựng hơn 937 m2. Ngoài ra, khu vực này lại nằm trong diện quy hoạch công viên cây xanh nên cơ quan chức năng không thể cấp phép xây dựng công trình nhà ở.

Trên giấy tờ, đây là công trình thể dục thể thao nhưng thực tế nó lại được “phù phép” thành một khu nhà gồm nhiều căn. Vụ việc được lực lượng quản lý đô thị phường Hiệp Bình Chánh phát hiện, lập biên bản vi phạm vào năm 2016 và ra quyết định đình chỉ thi công.

Tiếp đến, tháng 4-2017, Thanh tra Sở Xây dựng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính công trình trên. Theo đó, thanh tra Sở cho hay chủ đầu tư đã có hành vi xây dựng sai phép. Cụ thể là “thi công sai kiến trúc mặt ngoài, sai kết cấu chịu lực chính như chia thành 12 căn, trổ chín cửa đi, ba cửa sổ, xây tường gạch từ 2 m đến 6 m với kết cấu cột bê tông cốt thép, vách gạch, mái tôn”… Với hành vi này, chủ đầu tư bị phạt 20 triệu đồng và “phải tự tháo dỡ phần xây dựng sai phép” nói trên. Thế nhưng chẳng những chủ đầu tư này không thực hiện mà còn chuyển nhượng bằng giấy tay cho nhiều người. Tính đến tháng 5-2017, ít nhất có bốn trường hợp mua nhà của ông Tài đã dọn vào ở.

Trong khi chưa xử lý dứt điểm được sự việc, đầu năm 2018, lực lượng chức năng của phường Hiệp Bình Chánh lại phát hiện chủ đất tiếp tục tổ chức thi công công trình ở khu vực nói trên và yêu cầu dừng thi công. Thế nhưng đến đầu tháng 2, tình trạng xây dựng trái phép lại tái diễn vào ban đêm.

Cuối tháng 3, thanh tra xây dựng khu vực Thủ Đức lại lập biên bản về việc “chủ đầu tư tổ chức thi công sai kiến trúc mặt ngoài và sai kết cấu, trổ thêm hai cửa đi tạo thêm hai căn nhà”. Song đến cuối tháng 4, theo ghi nhận của chúng tôi, khu nhà xây sai phép nói trên vẫn chưa được tháo dỡ để trở về đúng công năng được cấp phép là công trình thể dục thể thao - sân cầu lông.

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo UBND phường Hiệp Bình Chánh cho biết địa phương đã nhiều lần ra thông báo yêu cầu ông Tài (chủ đầu tư) và người dân không được mua bán, chuyển nhượng nhà đất vì công trình này vi phạm trật tự xây dựng và nằm trong vùng quy hoạch công viên cây xanh. Thế nhưng một số người vẫn chấp nhận rủi ro mua nhà bằng giấy tay.

“Nếu xác định được người bán nhà cố tình lừa đảo chiếm đoạt tài sản người mua thì có thể chuyển vụ việc sang cơ quan công an điều tra để xử lý, lấy lại tiền cho người mua nhà” - vị này bày tỏ thêm.

Về việc ba năm chưa cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm, vị lãnh đạo cho hay phường nhiều lần kiến nghị Thanh tra Sở Xây dựng TP xử lý nhưng tới nay vẫn chưa có kết quả.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm