UBND TP.HCM vừa có báo cáo kiến nghị để gỡ vướng trong việc cấp giấy cho việc mua bán đất bằng giấy tay, nhà đã được cấp giấy chứng nhận (GCN), sau đó chủ nhà xây mới hoặc cải tạo, cơi nới nhưng chưa hoàn công đã bán cho người khác…
Ách vì mua xong xây thêm
Theo báo cáo do Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến ký, tại TP.HCM có tình trạng nhà đất đã được cấp GCN, sau đó chủ nhà xây mới hoặc cải tạo, cơi nới nhưng chưa hoàn công mà lại thực hiện việc mua bán. Sau đó, người mua đề nghị cấp đổi GCN đồng thời công nhận quyền sở hữu theo hiện trạng mới. Tuy nhiên, căn nhà được chủ cũ xây thêm chưa hoàn công và hợp đồng mua bán cũng không thể hiện phần diện tích mới phát sinh (mua bán nhà sai hiện trạng thực tế) nên cơ quan cấp GCN không có cơ sở giải quyết.
Theo UBND TP, việc công trình xây thêm chưa hoàn công mà đã mua bán, chuyển nhượng trước hết là lỗi của chủ cũ, các bên mua bán phải nắm rõ hiện trạng và chịu trách nhiệm với các thỏa thuận khi thực hiện giao dịch dân sự. “Tuy nhiên, đây là vướng mắc khá phổ biến và cũng một phần do quản lý nhà nước không xử lý kịp thời nên cần có giải pháp tháo gỡ vướng mắc này” - TP nhận xét.
TP.HCM kiến nghị: Đối với trường hợp mua bán nhà sai hiện trạng trước ngày 1-7- 2014 cũng được giải quyết cấp GCN cho người mua nhà theo hiện trạng thực tế. Theo đó, chủ cũ phải có cam kết bằng văn bản có chứng thực chữ ký về việc đã chuyển nhượng nhà theo hiện trạng thực tế và đồng ý cho người mua được cấp GCN. Bên cạnh đó công trình phải thỏa các điều kiện được cấp giấy và có ý kiến của cơ quan quản lý xây dựng về việc xây dựng sai phép. “Trong trường hợp các bên không cung cấp được cam kết hoặc công trình chỉ được tồn tại mà không đủ điều kiện để chứng nhận sở hữu thì chỉ cấp đổi GCN đối với quyền sử dụng đất” - TP có ý kiến.
Làm thủ tục cấp giấy chứng nhận nhà đất tại UBND quận Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: HTD
Lùi thời hạn cấp giấy mua bán đất bằng giấy tay
Bên cạnh đó, TP cũng kiến nghị Bộ TN&MT cho phép cấp GCN đối với trường hợp chuyển nhượng đất bằng giấy tay từ sau ngày 1-1-2008 đến trước ngày 1-7-2014. Bởi Nghị định 01/2017 đã tháo gỡ cho trường hợp chuyển nhượng bằng giấy tay trước ngày 1-1- 2008. Với nghị định này, TP “ước tính giải quyết cấp GCN cho gần 9.700 trường hợp” nhưng còn rất nhiều trường hợp mua bán giấy tay sau ngày 1-1-2008 đến ngày 1-7-2014 chưa được cấp GCN nên TP đề xuất như trên.
Tại báo cáo, TP tiếp tục đề nghị bổ sung sửa đổi Nghị định 43/2014 theo hướng cho phép TP phân cấp cho chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai tại các quận, huyện được trực tiếp ký cấp GCN và đóng dấu của chi nhánh đối với trường hợp biến động mà người sở hữu lựa chọn hình thức cập nhật trên trang 3, 4 hoặc cấp mới GCN cho hộ gia đình cá nhân bởi vì hai trường hợp này đều có giá trị pháp lý như nhau.
Đầu tháng 1-2018 vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cũng có báo cáo về kết quả giám sát tình hình thực hiện cấp GCN tại TP. Theo đó, cơ quan này nhận định thị trường bất động sản tại TP rất sôi động, khối lượng giao dịch lớn gây áp lực cho cơ quan cấp GCN, ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết hồ sơ của người dân. “Để kịp thời giải quyết nhu cầu của người dân, cần phân cấp thẩm quyền cấp GCN (không phải lần đầu) cho chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện” - Văn phòng đại biểu Quốc hội TP nhận xét.
Sẽ có quy chế chung với nhà vi phạm khi cấp giấy chứng nhận Đối với trường hợp cấp GCN cho nhà vi phạm xây dựng sau ngày 1-5-2009, theo quy định tại Nghị định 43, trường hợp xây dựng không đúng giấy phép thì phải có ý kiến của cơ quan cấp phép rồi mới thực hiện việc cấp GCN. TP cho hay sẽ chỉ đạo Sở Xây dựng nghiên cứu và TP thông qua quy chế phối hợp trao đổi thông tin giữa các sở liên quan để thống nhất các trường hợp vi phạm không cần xử lý, các tiêu chí chung để xử lý vi phạm. Quy định này nhằm “tránh phát sinh tiêu cực từ việc xử lý vụ việc cụ thể” trước khi cấp GCN. |