KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH, LIỆT SĨ (27-7-1947 _ 27-7-2022):

Phục dựng truyền thần cho hàng trăm ảnh liệt sĩ

(PLO)-  Lê Quyết Thắng, chàng trai 9X không gọi dự án của mình là phục chế ảnh mà anh gọi đó là “chiến dịch” phục dựng truyền thần cho ảnh các liệt sĩ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phục dựng 75 tấm ảnh liệt sĩ nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2022) nhưng con số đã vượt qua ước định của Lê Quyết Thắng.

“Cảm ơn Thắng, bác của tôi đây rồi!”

Căn phòng làm việc của Lê Quyết Thắng, nơi anh thực hiện công việc ý nghĩa này, khi tôi đến vẫn còn rất nhiều ảnh liệt sĩ ở khắp nơi. “Bên trên, phía dưới và cả ở đây nữa, tất cả đều là ảnh liệt sĩ, thậm chí con số 75 tấm ảnh mà chúng tôi đặt ra để phục dựng chỉ còn là con số tượng trưng, bởi số lượng bây giờ đã lên tới hàng trăm tấm” - Lê Quyết Thắng, chàng trai trẻ sinh năm 1990, chỉ một lượt căn phòng của mình giải thích.

Mọi đồ vật có thể ngổn ngang, riêng bức ảnh liệt sĩ luôn được Thắng dành cho những vị trí trang trọng.

Một bức ảnh được nhóm của Thắng phục dựng. Ảnh: NVCC

Một bức ảnh được nhóm của Thắng phục dựng. Ảnh: NVCC

Bức ảnh đầu tiên được nhóm của Thắng phục dựng cũng là một câu chuyện khó quên. Thắng bắt đầu “kích hoạt” chiến dịch của mình lúc 22 giờ, khi công việc thường ngày của anh kết thúc. Từng động tác chỉnh sửa tỉ mỉ của anh được livestream (phát trực tiếp) trên trang Facebook cá nhân. Hôm đó, đúng như Thắng nói “làm thì cứ làm thôi”. Công việc cuốn anh vào, đến lúc hoàn thành xong đã là 4 giờ sáng của ngày hôm sau.

“Muộn như vậy nhưng lúc tôi làm vẫn có hơn 400 người đang xem, trong đó có cả gia đình liệt sĩ. Có người đã comment (nhận xét - PV) trong livestream: Cám ơn Thắng, bác của tôi đây rồi. Một người dường như đã thốt lên như thế khi bức ảnh được hoàn thành” - Thắng kể.

Sau mỗi bức ảnh là một câu chuyện

Một trong những động lực để nhóm của Thắng cuốn vào dự án ý nghĩa này đó là câu chuyện đằng sau những bức ảnh. Ban đầu, mọi người chỉ có ý định phục dựng những bức ảnh của các liệt sĩ, đóng khung và gửi đến tận tay người nhận. Thế nhưng sau khi lắng nghe, tìm hiểu về câu chuyện đằng sau những bức ảnh, cả nhóm đã đi đến quyết định: Mỗi tuần sẽ tổ chức những chuyến đi đến tận nhà người thân của liệt sĩ, trao tặng tận tay bức ảnh đó kèm theo một lẵng hoa hay một giỏ hoa quả.

“Chúng tôi không muốn chỉ làm việc đó như một động tác khô khan về kỹ thuật, chúng tôi còn muốn nghe những câu chuyện thực tế về liệt sĩ. Điều đó đáng lắm chứ, có những người ở tuổi của tôi, họ hy sinh để cho chúng ta có ngày hôm nay mà” - Thắng nói.

Thắng cho tôi xem một bức ảnh khi cả nhóm đến trao bức ảnh này cho người thân một liệt sĩ. Có người khi nhìn tấm ảnh người thân của mình là liệt sĩ được phục chế đã không kìm được nước mắt. Có những buổi trao ảnh mà tất cả lặng đi 30 phút, để rồi nước mắt cứ thế lăn dài trên gò má mỗi người.

Trong những gia đình mà nhóm của Thắng đến trao ảnh tận nơi có gia đình mà người em của liệt sĩ, nay mái đầu đã bạc trắng, sau một cơn đột quỵ bà liệt nửa người. Chồng bà, một cựu chiến binh từng trải qua cảnh lao tù ở Phú Quốc, đang phải ngày ngày vật lộn với di chứng chiến tranh.

Người liệt sĩ trong bức ảnh mà Thắng phục chế đã hy sinh trên đất Campuchia, chưa tìm thấy hài cốt. Gia đình chỉ còn một bức ảnh cũ của liệt sĩ đã mờ nhòa. Thông tin trên được người cháu của liệt sĩ nhắn tin cho Thắng với mong muốn nhóm phục hồi giúp ảnh cho người cậu của mình để đem lại sự bất ngờ cho mẹ.

Ngày bức ảnh hoàn thành, nhóm của Thắng đã phải cuốc bộ, dò dẫm giữa những bạt ngàn đồi núi của tỉnh Thái Nguyên để tìm đến gia đình người thân liệt sĩ. Cầm trên tay bức ảnh em trai mình, chị của liệt sĩ đang phải ngồi trên xe lăn chỉ biết lấy khăn để thấm nước mắt cứ thế chảy trào ra từ khóe mắt.

“Đó chưa phải là điều ấn tượng nhất, điều khiến chúng tôi ghi nhớ mãi là câu nói của chồng bà: “Tôi không chỉ cám ơn các bạn, tôi ghi nhận và trân trọng tình cảm này”” - Thắng chia sẻ.

Sau khi đoàn về tới Hà Nội, thỉnh thoảng nhóm vẫn nhận được những thứ quà quê của gia đình chuyển tới cho nhóm.

Cần sự lan tỏa, chung sức

Từ khi bắt đầu chiến dịch, Thắng và các bạn không thể ngờ có rất nhiều gia đình muốn phục dựng ảnh của các liệt sĩ như vậy. Từ đó, Thắng bày tỏ anh muốn lan tỏa công việc ý nghĩa này để tất cả mọi người cùng chung tay vào, để mọi mong muốn của các người thân với ảnh liệt sĩ đều được đáp ứng.

Thắng tâm sự điều mà anh cảm thấy hài lòng nhất với mình đó là việc phục dựng ảnh liệt sĩ không chỉ là làm cho bức ảnh đẹp lên: “Làm cho ảnh đẹp lên, tôi nghĩ nhiều người làm được nhưng để cho bức ảnh đó có hồn, sinh động thì đòi hỏi nhiều hơn thế”.

Gặp những ca khó, khi bức ảnh đã bị nhòa, mất đi nhiều chi tiết, đặc biệt là đôi mắt của liệt sĩ, lúc này Thắng phải xem thêm ảnh người thân, lắng nghe mô tả để phục dựng cho sát nhất với thần thái của các anh.

Có bức ảnh, Thắng phải mất đến ba ngày để hoàn thành. Chính vì không chỉ làm cho bức ảnh đẹp lên mà còn thổi hồn vào đó nên dự án của Thắng đã được nhiều người biết đến.

“Có những livestream chia sẻ về quá trình phục dựng ảnh truyền thần liệt sĩ của tôi có hàng triệu view (người xem) và hàng ngàn tin nhắn. Đó là những nguồn động viên rất lớn để nhóm tiếp tục hành trình chưa có hồi kết thúc của mình” - Thắng kể.

Cảnh giác với những người xấu trục lợi

Lê Quyết Thắng cũng không thể ngờ được rằng khi chiến dịch của mình tạo được sức lan tỏa lớn như vậy đã xuất hiện những người trục lợi trên từng bức ảnh. “Tôi biết có người đã đứng ra thu gom ảnh từ người thân của các liệt sĩ, ra giá để phục hồi ảnh rồi gửi cho chúng tôi nhờ làm. Có người thân của liệt sĩ kể khi chuyển tiền xong cho những người đó thì số điện thoại không liên lạc được. Trong khi đó, chúng tôi không thu bất cứ phí nào để làm việc này” - Thắng tâm sự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm