Theo kế hoạch, sáng nay (20-5), TAND tỉnh Long An sẽ đưa chín vụ tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bằng hình thức kỷ luật sa thải giữa chín công nhân với Công ty TNHH MTV Giày Hùng Nghiệp ra xét xử phúc thẩm. Trước đó, cuối năm 2018, TAND huyện Đức Hòa đã lần lượt ban hành chín bản án tuyên bố việc công ty này sa thải người lao động là trái pháp luật, buộc công ty bồi thường cho họ. Không đồng ý, phía công ty kháng cáo.
Bị sa thải vì ngưng việc… nửa ngày
Công ty Giày Hùng Nghiệp là công ty 100% vốn của Trung Quốc có trụ sở tại ấp Bình Tiền 2, xã Đức Hòa Hạ, chuyên sản xuất giày dép, đế dép các loại.
Anh Trần Văn Đô La (sinh năm 1990, ngụ ấp Bàu Sen, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa) là một trong chín nguyên đơn trong phiên tòa phúc thẩm. Anh có hợp đồng lao động một năm kể từ ngày 1-1-2017, làm công nhân bộ phận đục lỗ, mức lương 4,132 triệu đồng/tháng. Quá trình làm việc, anh chấp hành đầy đủ nội quy lao động.
Theo diễn biến trưa 21-8-2017 đến 17 giờ cùng ngày, anh Đô La và 27 người lao động khác của công ty dừng việc để đòi trả thêm lương tăng ca, tăng tiền thâm niên và tay nghề kỹ thuật. Ngay hôm sau, công ty gửi thông báo tạm ngừng kinh doanh và không cho công nhân vào làm việc.
Đến ngày 13-9-2017, công ty họp kỷ luật, đề nghị sa thải anh Đô La. Sáng hôm sau, công ty đã sa thải anh với lý do không tuân thủ mệnh lệnh điều hành sản xuất, kinh doanh của cấp trên, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và lợi ích của công ty. Từ đó anh Đô La khởi kiện cho rằng việc sa thải là trái pháp luật, vi phạm thời gian báo trước, đề nghị tòa buộc công ty bồi thường 29 triệu đồng.
Công ty cho rằng anh Đô La đã hai lần cùng 27 người lao động khác tự ý ngưng việc, rời khỏi nơi làm việc, không chấp hành sự điều hành của người quản lý, gây rối, làm mất an ninh trật tự, đe dọa đến sự an toàn tính mạng và sức khỏe của người lao động khác và nhà đầu tư.
Từ đó công ty trình báo công an xã nhờ can thiệp. Sau lần bỏ việc ngày 21-8-2017, anh Đô La và các công nhân khác không đến làm việc. Hành vi của anh Đô La và nhiều người khác đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất, kinh doanh của công ty. Hơn nữa, khi đó công ty đang có hợp đồng gia công đơn hàng với công ty đối tác, do công nhân nghỉ đột xuất ở một số chuyền nên không đảm bảo lượng hàng cung cấp nên bị đơn phương chấm dứt hợp đồng và phải bồi thường thiệt hại.
Theo công ty, hành vi ngừng việc ảnh hưởng lợi ích, thiệt hại tài sản, vi phạm nội quy công ty, điểm d khoản 4 Điều 23 Nội quy lao động. Hành vi gây rối, làm mất trật tự trong công ty làm thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và lợi ích của công ty vi phạm điểm e khoản 4 Điều 23 Nội quy và khoản 1 Điều 126 BLLĐ. Hậu quả của hành vi là rất nghiêm trọng nên sa thải là đúng Điều 123, Điều 126 BLLĐ. Công ty chỉ đồng ý hỗ trợ một tháng lương cơ bản 3,7 triệu đồng.
Ông Bùi Trường Chinh, người đại diện theo ủy quyền của chín công nhân để khởi kiện Công ty TNHH MTV Giày Hùng Nghiệp. Ảnh: PL
Tòa sơ thẩm: Sa thải là trái luật
Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện VKS huyện Đức Hòa nhận định việc tự ý dừng việc nửa ngày, không tuân theo mệnh lệnh điều hành là hành vi vi phạm nội quy công ty. Tuy nhiên, với mức độ vi phạm này của người lao động mà công ty đã sa thải họ là chưa đủ căn cứ. Do công ty chưa chứng minh được lỗi và mức độ gây thiệt hại của anh Đô La nên việc công ty sa thải anh là trái pháp luật.
Đại diện công ty đề nghị hoãn phiên tòa để cung cấp mức thiệt hại của công ty, hình ảnh từ camera về việc các công nhân gây mất trật tự. Tuy nhiên, HĐXX bác yêu cầu này vì tại phiên họp, kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải, đại diện công ty khẳng định đã cung cấp đầy đủ cho tòa. Nếu có chứng cứ mới thì công ty có thể xuất trình để cấp phúc thẩm xem xét.
HĐXX sơ thẩm nhận định việc sa thải anh Đô La là trái pháp luật. Anh Đô La chỉ ngưng việc nửa ngày, sáng hôm sau công ty đã có thông báo tạm dừng kinh doanh và không cho vào làm dù có sự can thiệp của các cơ quan quản lý lao động cấp huyện. Do đó, từ ngày 22-8-2018, anh không thể vào làm việc, thiệt hại nếu có không phải do người lao động gây ra. Hành vi ngừng việc nửa ngày là lỗi không lớn vì người lao động không làm việc để đòi giải quyết chế độ. Hơn nữa, căn cứ xác nhận của trưởng Công an xã Đức Hòa Hạ thì các công nhân hoàn toàn không gây rối.
Về hình thức, theo HĐXX hôm trước công ty họp kỷ luật, hôm sau ra quyết định sa thải là vi phạm thời gian báo trước theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 38 BLLĐ (khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, công ty phải báo trước ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn).
Về nội dung, việc sa thải chưa đủ căn cứ và điều kiện sa thải người lao động theo điểm a khoản 1 Điều 123 BLLĐ (không chứng minh được lỗi của công nhân), khoản 1 Điều 126 BLLĐ (không chứng minh được công nhân gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của công ty) và vi phạm điều cấm theo khoản 4 Điều 219 BLLĐ (chấm dứt hợp đồng lao động... vì lý do tham gia đình công).
Chúng tôi sẽ thông tin kết quả phiên xử phúc thẩm.
Phải bồi thường gần 29 triệu đồng HĐXX cấp sơ thẩm đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu của anh Đô La, buộc công ty bồi thường cho anh gần 29 triệu đồng, gồm lương tháng 8 còn nợ, lương những ngày không được làm việc đến hết hạn hợp đồng, hai tháng lương do sa thải trái luật. Do anh Đô La không yêu cầu bồi thường khoản tiền tương ứng những ngày không báo trước khi sa thải anh nên tòa không xét. Anh Đô La yêu cầu tòa buộc công ty nhận anh vào làm việc lại nhưng công ty không đồng ý. Do anh làm việc ở công ty chưa tới một năm nên chưa đủ điều kiện tính trợ cấp thôi việc theo Điều 48 BLLĐ. Tám công nhân khác cũng thắng kiện Ngoài anh Đô La thắng kiện còn có tám công nhân gồm: Anh Trần Văn Đô Lin, Đoàn Quốc Cường, Lê Hoàng Nam, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Thanh Nhàn, Nguyễn Thanh Long, Phạm Văn Long và Thạch Lai cũng thắng kiện khi đòi bồi thường liên quan đến việc ngưng lao động nửa ngày dẫn đến bị sa thải với các tình tiết tương tự. Số tiền mà tám công nhân này được tòa cấp sơ thẩm tuyên phía công ty phải bồi thường là từ 29 triệu đến 31 triệu đồng. |