Bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức) là dự án trọng điểm nhằm chống ùn tắc giao thông khu vực trung tâm TP.HCM. Vị trí của bến xe mới được kỳ vọng là đầu mối giao thông quan trọng góp phần phát triển TP Thủ Đức. Đây cũng được xem là bến xe hiện đại và lớn nhất cả nước.
Tuy nhiên, sau năm tháng hoạt động, bến xe vẫn rất vắng vẻ, thưa thớt cả người và lượt xe xuất bến.
Có khoảng 120 khách/ngày
Ghi nhận của PV ngày 18-3 cho thấy Bến xe Miền Đông mới rất vắng vẻ.
Khu vực sảnh chờ khá yên tĩnh, chỉ có bóng dáng của bảo vệ và một số nhân viên bến xe, không có một hành khách nào chờ xe. Tại quầy thông tin có nhân viên trực hỗ trợ thông tin nhưng cũng không có người ghé hỏi.
Ngoài ra, tại sân đỗ xe khách có hàng loạt xe khách xếp hàng dài mà không có bóng dáng hành khách.
Theo ghi nhận, có ba tuyến xe buýt số 55, 76, 93 hoạt động tại bến. Điểm chung của các chuyến xe buýt này là lúc xuất bến và vào lại bến đều trong tình trạng đầy ghế trống. Ở hầm gửi xe B1, bảo vệ túc trực trước hai cửa nhưng bên trong chỉ hơn chục chiếc xe máy được gửi.
Ông Tạ Chương Chín, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Bến xe Miền Đông, cho biết: Trong giai đoạn 1 đã di dời 22 tuyến vận tải hành khách cố định có cự ly từ 1.100 km trở lên (từ Quảng Trị trở ra các tỉnh phía Bắc) ra Bến xe Miền Đông mới. Sau khi di dời xong giai đoạn 1, tình hình hoạt động ổn định sẽ tiếp tục thực hiện với các tuyến khác.
Ông Chín thông tin đầu tháng 3, lượng xe và lượng hành khách không tăng. Lượt xe ra vào bến chỉ khoảng 18 lượt/ngày và chỉ có khoảng 120 khách/ngày.
“Hiện nay chỉ ba tuyến xe buýt đưa người dân ra vào bến xe. Bến xe đã đề xuất phương án mở thêm nhiều tuyến xe buýt để phục vụ người dân. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khách quan nên vẫn chưa thực hiện được” - ông Chín thông tin.
Ngoài kết nối xe buýt, ông Chín cho hay quy hoạch hạ tầng giao thông ở bến mới phải đồng bộ với khu vực xung quanh mới có thể thu hút khách. Cụ thể là các công trình giao thông, loại hình vận tải khác như metro để người dân dễ dàng tiếp cận bến xe.
Sảnh chờ Bến xe Miền Đông mới rất vắng khách. (Ảnh chụp ngày 18-3).
Ảnh: LP
Ba kết nối quan trọng
KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng: “Xây bến xe xong là chưa đủ, quan trọng nhất là vấn đề kết nối. Trong đó có ba kết nối quan trọng cần sớm hoàn thành. Đó là kết nối với metro số 1, kết nối với xe buýt và kết nối hạ tầng giao thông đường bộ. Làm tốt ba vấn đề trên thì Bến xe Miền Đông mới sẽ thu hút hành khách”.
KTS Sơn cho rằng hiện nay do những kết nối trên chưa đáp ứng nhu cầu và thiếu sự đồng bộ nên bến xe mới vắng khách.
“Với vị trí của Bến xe Miền Đông mới thì cần có mối liên kết với nhà ga metro gần nhất. Bến xe Miền Đông mới có vai trò phục vụ kết nối TP.HCM về phía đông. Do đó cần phát triển loại hình xe công cộng kết nối bến này với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu” - ông Sơn phân tích.
Theo ông Sơn, về hạ tầng giao thông, bến xe cần có kết nối mạch lạc với các đường vành đai. Mục đích để người sử dụng xe cá nhân dễ dàng tiếp cận với bến.
Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, nguyên Trưởng Khoa đô thị học (Trường ĐH KHXH&NV), cho rằng: “Với quy hoạch bến mới và hạ tầng giao thông như hiện tại thì trong ba năm nữa bến cũng sẽ vắng khách”.
Theo ông, đây là quy hoạch mà có thể phải chờ hơn 10 năm nữa mới phát huy hiệu quả. Với vị trí của bến mới và vấn đề hạn chế đường kết nối thì sẽ không có người dân nào bắt xe taxi, xe ôm để ra bến.
“Ví dụ, người dân nội thành TP.HCM muốn đi đâu không ai lại vòng qua bến mới vì thêm quãng đường xa hơn” - ông Hòa nhận định.
Theo đó, PGS-TS Hòa đưa ra giải pháp, để thu hút khách ra bến mới cần phải đợi tuyến metro số 1 hoàn thành và kết nối giao thông đồng bộ. “Đối với thời điểm hiện nay, TP cần có phương án thu gom khách từ trung tâm TP ra bến mới. Bên cạnh đó, bến xe cần có nhiều tiện ích thu hút khách như giữ xe miễn phí chẳng hạn” - ông Hòa góp ý.•
22 tuyến xe dừng lưu đậu ở Bến xe Miền Đông hiện hữu Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc chấm dứt thời gian lưu đậu và đón, trả khách của 22 tuyến xe tại Bến xe Miền Đông hiện hữu (quận Bình Thạnh). Đó là các tuyến được di dời giai đoạn 1 sang Bến xe Miền Đông mới (TP.HCM). Theo đó, Bến xe Miền Đông mới phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định hiện hành về trách nhiệm của đơn vị khai thác bến xe khách. Sau đó, đơn vị này cần báo cáo, đánh giá hằng tháng về tình hình hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định. Sở GTVT cũng đề nghị Trung tâm Quản lý giao thông công cộng tiếp tục thông tin về các tuyến buýt đi, đến Bến xe Miền Đông mới. Các tuyến này sẽ phục vụ thực hiện trung chuyển, vận chuyển hành lý, hàng hóa… đến bến mới. Theo Sở GTVT, hiện tại hành khách đi, đến Bến xe Miền Đông mới có thể sử dụng các phương tiện như taxi, xe trung chuyển và xe buýt. Đặc biệt, khi tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hoàn thành, hành khách sẽ có thêm lựa chọn vì nhà ga metro nằm cách nhà ga Bến xe Miền Đông mới chỉ khoảng 50 m. |