Phương án mới giải cứu kẹt xe trên cao tốc TP.HCM - Long Thành- Dầu Giây

(PLO)- Khu Quản lý đường bộ IV cho biết khi cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ùn tắc, đơn vị quản lý tuyến và các lực lượng thực thi nhiệm vụ trên đường phải phối hợp nhịp nhàng để phân luồng phương tiện từ xa.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian qua lưu lượng xe trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tăng nhanh, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm xe lưu thông trên cao tốc này đạt 11,68 triệu lượt, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm 2023. Song song đó là một số bất cập về hạ tầng khiến tuyến cao tốc trên thường xuyên xảy ra ùn tắc.

Ùn tắc và tai nạn gia tăng trên cao tốc

Theo Công ty Cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E - đơn vị quản lý tuyến), thời gian xảy ra ùn ứ trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thường từ 6 giờ đến 11 giờ sáng tại đoạn Km4 - Km12 hướng từ TP.HCM đi Long Thành. Còn đoạn Km12 - Km23 hướng từ Long Thành đi TP.HCM thường ùn ứ vào chiều và tối trong khung giờ 14 giờ đến 21 giờ.

Khi xảy ra sự cố gây ùn tắc trên tuyến cao tốc, lực lượng chức năng đã phối hợp tổ chức phân luồng từ xa tại các vị trí nút giao đường dẫn lên cao tốc.

Từ đó, các phương tiện chủ động chọn hướng di chuyển phù hợp và bổ sung biển báo hướng dẫn hướng đi khi xảy ra ùn tắc trên cao tốc trên tất cả nút giao ra, vào đường cao tốc.

Lượng phương tiện gia tăng trên cao tốc TP.HCM - Long Thành. Ảnh: V.LONG
Lượng phương tiện gia tăng trên cao tốc TP.HCM - Long Thành. Ảnh: V.LONG

Tuy nhiên, công tác triển khai của VEC E chưa thống nhất tình huống với các lực lượng thực thi nhiệm vụ trên các tuyến đường. Điều này gây khó khăn cho lực lượng chức năng địa phương mà cụ thể là TP.HCM và tỉnh Đồng Nai, dẫn đến ùn tắc tại các tuyến quốc lộ, đường địa phương.

Với những khó khăn trên, Khu Quản lý đường bộ IV đã chủ trì làm việc với VEC E, CSGT tỉnh Đồng Nai và TP.HCM để tìm ra phương án phối hợp phân luồng giao thông từ xa khi xảy ra ùn tắc trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Đang thực hiện phần luồng linh hoạt, chưa cấm xe tải nặng

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM vào sáng 18-7, ông Trần Thanh Nam, Phó Giám đốc Khu Quản lý đường bộ IV, Cục Đường bộ, cho biết qua kiểm tra thực địa đơn vị nhận thấy nút giao An Phú đang thi công nên thường xảy ra ùn tắc từ nút giao kéo vào đến cao tốc.

Đặc biệt, cầu Long Thành khổ cầu hẹp, dốc cao nên các phương tiện như xe container, xe tải nặng khi lưu thông thường chỉ chạy được với vận tốc chậm, nếu có va quẹt gây ùn tắc kéo dài.

Từ thực tế đó, các đại biểu dự họp đề xuất cấm xe đầu kéo lưu thông trên cao tốc vào các ngày lễ, Tết và ngày thứ 6, 7 chiều TP.HCM đi Long Thành. Vào ngày Chủ nhật cấm hướng từ Long Thành đi TP.HCM (cấm theo giờ).

Tuy nhiên, có đại biểu cho rằng phương án nêu trên cần phải xem xét. Bởi nếu cấm xe tải nặng vào cao tốc sẽ gây áp lực cho tuyến khác, thậm chí gây ùn tắc tai nạn giao thông và phản ứng của một bộ phận khi không được sử dụng tuyến này…

VEC cho biết tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thường xuyên ùn ứ giao thông, đặc biệt là đoạn từ Km12+000 đến Km23+000 hướng Long Thành đi TP.HCM và Km4+000 đến Km12+000 hướng TP.HCM đi Long Thành. Ngoài lưu lượng tăng đột biến vào các ngày cuối tuần, lễ tết, tình trạng ùn ứ trên tuyến cao tốc này còn xuất phát từ sự cố, va chạm, hư hỏng xe trên cầu Long Thành.

Từ những phân tích trên, ông Nam cho biết các bên thống nhất trước mắt phân luồng phương tiện theo hướng linh hoạt.

Cụ thể, khi có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông, VEC E có trách nhiệm thông báo trên bảng VMS lắp trên tuyến và các phương tiện truyền thông. Hướng dẫn và khuyến cáo các phương tiện không đi vào đường cao tốc, lựa chọn cung đường khác phù hợp.

Ngoài ra, VEC E phải phối hợp chặt chẽ với các lực lượng công an giao thông để trao đổi, khi có ùn tắc trên tuyến cần thông báo với các đơn vị liên quan hướng dẫn phân luồng phương tiện từ xa.

Đối với cấm xe tải nặng, ông Nam nói đây là chủ trương lớn. “Hiện chúng tôi vẫn chưa trình cấp có thẩm quyền đề xuất trên, chỉ dừng ở bước nghiên cứu”- ông Nam khẳng định.

Về phương án lâu dài, lãnh đạo Khu Quản lý đường bộ IV cho biết cần mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM- Long Thành - Dầu Giây, đẩy nhanh tiến độ các dự án đường Vành đai TP.HCM, cao tốc Bến Lức - Long Thành.

“Khi có các tuyến này đi vào khai thác, lưu lượng phương tiện trên cao tốc TP.HCM - Dầu Giây sẽ giảm và hết ùn tắc”- ông Nam cho biết thêm.

Đang thực hiện các bước chuẩn bị mở rộng cao tốc

Hiện Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đang đề xuất phương án nâng cấp mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành.

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) sẽ là chủ đầu tư (thực hiện triển khai phương án đầu tư theo Luật Đầu tư).

Theo đó, đoạn tuyến cao tốc thuộc dự án có phạm vi xây dựng từ nút giao Vành đai 2 đến nút giao đường bộ cao tốc Biên Hoà (Km4+00 đến Km25+920) với tổng chiều dài 21,92 km. Quy mô đầu tư từ 4 làn xe lên 8 làn xe, thực hiện giải phóng mặt bằng 10 làn xe (hiện đã giải phóng mặt bằng để mở rộng 8 làn xe). Hai cầu (Sông Tắc - Km10+436, cầu trong nút giao đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu Km24+646) đầu tư mở rộng hoàn chỉnh 10 làn xe.

Tổng mức đầu tư của phương án trên hơn 14.339 tỉ đồng, bao gồm trên 4.639 tỉ đồng vốn chủ sở hữu của VEC (32%), vốn vay thương mại 9.700 tỉ đồng (68%). Nếu được thông qua, dự án sẽ ngay lập tức tiến hành các bước đầu tư để đến tháng 6-2028 hoàn thành. Thời gian hoàn vốn dự án là 29 năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm