Sáng 19-6, Sở GTVT TP.HCM tổ chức buổi gặp mặt phóng viên các cơ quan báo chí định kỳ. Tại đây, nhiều vấn đề nóng của ngành giao thông TP.HCM cũng đã được thông tin.
Chú trọng đầu tư hàng loạt dự án trọng điểm
Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM thông tin, năm 2024, ngành giao thông TP.HCM đang triển khai nhiều dự án trọng điểm, chiến lược.
Đến nay, TP.HCM tiếp tục triển khai thu phí hạ tầng cảng biển với tổng mức thu đạt 4.800 tỉ đồng, bắt đầu triển khai thu phí một phần lòng đường vỉa hè. Hiện nay, phí hạ tầng cảng biển đã hòa vào ngân sách TP, quay trở lại đầu tư vào dự án vành đai 2 TP.HCM với khoảng 13.000 tỉ đồng, dự kiến khởi công vào cuối năm nay.
Song song đó, Nghị quyết 98 cũng đang triển khai nhiều dự án trọng điểm như BOT trên các tuyến đường hiện hữu như: Quốc lộ 13, quốc lộ 22, quốc lộ 1, cầu đường Bình Tiên và mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ. Hiện ngành giao thông TP.HCM đang gấp rút quá trình chuẩn bị các dự này.
Đặc biệt, dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, đề án đường sắt đô thị đang được ngành giao thông TP.HCM gấp rút triển khai hoàn thiện và trình trong thời gian tới.
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM đánh giá, hiện nay công tác giải ngân vốn đầu tư công rất lớn với khoảng 79.000 tỉ đồng, riêng vốn cho ngành giao thông chiếm 50%. Vì vậy, ngành giao thông TP.HCM đang rất quyết liệt tập trung triển khai dự án, bồi thường giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật.
Riêng ngành đường thủy TP.HCM đã đưa tuyến tàu cao tốc TP.HCM - Côn Đảo vào khai thác, ổn định và người dân đi lại thuận tiện. Bên cạnh đó, tuyến tàu Cần Giờ - Vàm Láng cũng đang chuẩn bị triển khai vào cuối năm nay. Các cảng và bến Bạch Đằng cũng đang triển khai, lập quy hoạch chi tiết 1/500 bến Bạch Đằng, sắp xếp lại các bến cảng, khu vực này cũng có cầu đi bộ qua sông Sài Gòn sẽ được khởi công vào dịp 30-4 năm sau.
Đồng bộ hệ thống giao thông cửa ngõ
Lãnh đạo Sở GTVT TP nhìn nhận, đường cao tốc hiện nay được Bộ GTVT mở rộng, ngành giao thông TP cũng đang trình UBND TP.HCM thẩm định mở rộng đường nối cao tốc từ Võ Chí Công về An Phú, dự kiến hoàn chỉnh trong năm 2026.
Đồng thời, Bộ GTVT cũng đang triển khai đường sắt nhẹ Long Thành - Thủ Thiêm, triển khai thực hiện đồng bộ với sân bay Long Thành.
Đối với giao thông cửa ngõ ở TP.HCM, thời gian qua ghi nhận tình trạng ùn ứ. Để khơi thông mạch giao thông, giao thông cửa ngõ cần chi phí đầu tư rất lớn triển khai. Hiện các nút giao, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, TP.HCM - Trung Lương đang được nghiên cứu đầu tư. Ngành giao thông TP.HCM tập trung nghiên cứu đầu tư kết nối để hoàn thiện hạ tầng giao thông đồng bộ ở cửa ngõ.
"Thời gian qua, báo chí đã cùng đồng hành trong việc phản ánh, truyền tải thông tin đến người dân và nhận được sự ủng hộ của người dân. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục mong muốn, đồng hành chia sẻ từ báo chí" - ông Lâm trao đổi.
Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) thông tin thêm, hiện nay Ban Giao thông đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ thi công hàng loạt dự án 6 tháng cuối năm.
Đáng chú ý, tái khởi động dự án cầu Tân Kỳ Tân Quý, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, cầu Phước Long, Quốc lộ 50, cầu Bà Hom sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý giao thông
Ông Trần Quang Lâm cho biết, thời gian qua Thanh tra giao thông Sở GTVT TP đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phạt nguội xe quá tải, đây là địa phương đầu tiên ứng dụng thí điểm hình thức phạt nguội xe quá tải.
Theo ông Lâm, bình thường các phương tiện phải dừng lại để cân tải, tuy nhiên hiện nay hoàn toàn tự động. Sau 6 tháng thí điểm đã xử phạt gần 29 tỉ đồng các phương tiện quá tải, giảm 91% hành vi vi phạm. Có thể thấy, hiện ý thức tham gia giao thông nâng cao, góp phần đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông, đây là điều vô cùng quan trọng.
"Có những trường hợp phạt hơn 200 triệu đồng vi phạm quá tải ở TP.HCM. Có thể thấy, việc xử lý các hành vi vi phạm quá tải có mức răn đe rất lớn, góp phần tuyên truyền, nhắc nhở chủ phương tiện và người tham gia giao thông chấp hành đúng quy định" - ông Lâm kỳ vọng.
Bên cạnh đó, Trung tâm Điều hành giao thông đô thị TP.HCM cũng đang triển khai dự án giao thông linh hoạt ở các trục Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ... để điều khiển giao thông linh hoạt thay vì theo kịch bản hiện hữu.
Sau này, sẽ đo đếm lưu lượng, đưa ra các kịch bản để đưa ra thời lượng đèn phù hợp với tình hình giao thông tức thời. Dự kiến năm 2025 sẽ hoàn thiện để giải tỏa tình trạng ùn ứ cho cả khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Dự kiến, TP.HCM sẽ điều hành các vành đai ảo từ hệ thống từ xa, có những trường hợp khu vực sân bay bị ùn tắc, TP sẽ tiến hành điều khiển ở các nút giao từ xa như tăng thời lượng đèn giao thông.
Tăng cường xử lý xe dù bến cóc
TP.HCM đang quyết liệt triển khai xử lý vi phạm xe dù bến cóc, thiết lập hệ thống biển báo và vi phạm ở đâu công an và quận huyện sẽ trực tiếp xử lý các trường hợp đón trả khách sai quy định.
Sở GTVT TP cũng đang kiểm tra, thanh tra hoạt động kinh doanh vận tải ở TP.HCM để quản lý tốt hơn.
Về lâu dài, sẽ quản lý các phương tiện thông qua dữ liệu GPS để quản lý bằng công nghệ bằng bài toán căn cơ.