Khơi thông hạ tầng giao thông TP.HCM nhờ loạt dự án trọng điểm

(PLO)- Sở GTVT TP.HCM cho biết năm 2024, ngành giao thông TP phấn đấu hoàn thành 38 dự án trọng điểm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 19-1, Sở GTVT TP. HCM tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Năm 2024, ngành giao thông TP sẽ triển khai đồng loạt nhiều dự án trọng điểm, khơi thông hạ tầng giao thông TP, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2023 ghi dấu với nhiều dự án trọng điểm

Ông Vương Quang Hưng, Trưởng phòng Xây dựng, Sở GTVT TP.HCM, cho biết năm 2023 lần đầu tiên TP và các địa phương trong vùng được Thủ tướng Chính phủ phân cấp, phân quyền làm cơ quan chủ quản triển khai các dự án thành phần thuộc đường vành đai 3 - dự án quan trọng quốc gia.

Đến nay, dự án đã triển khai thực hiện theo đúng quy định, các giai đoạn được thực hiện đúng tiến độ yêu cầu.

dự án trọng điểm
Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Sở GTVT TP.HCM. Ảnh: ĐÀO TRANG

Bên cạnh đó, Sở GTVT TP đã tham mưu, trình chủ trương và điều chỉnh chủ trương đầu tư 41 dự án trọng điểm. Cụ thể là tuyến đường vành đai 2 (đoạn 1 và đoạn 2), cầu đường Nguyễn Khoái, đường Nguyễn Thị Định, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, đường Dương Quảng Hàm, nút giao thông Mỹ Thủy…

Trong năm 2023, ngành giao thông cũng khởi công và triển khai 12 công trình trọng điểm khác như: Quốc lộ 50, đường nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, hầm chui nút giao Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện, mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý. Đồng thời chỉnh chủ trương đầu tư và hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo UBND TP trình HĐND TP xem xét thông qua dự án cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài...

Cũng trong năm 2023, HĐND TP.HCM quyết định thông qua năm dự án giao thông cửa ngõ, trục chính đô thị theo hình thức BOT.

Bao gồm nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1A, Quốc lộ 13, Quốc lộ 22, đường trục Bắc - Nam (Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ đến cao tốc Bến Lức - Long Thành) và xây dựng cầu đường Bình Tiên, với tổng mức đầu tư dự kiến của năm dự án khoảng 44.592 tỉ đồng, giai đoạn 2024-2030.

“Các dự án hạ tầng giao thông có tính chất là trục cửa ngõ, quốc lộ kết nối vùng, kết nối các đầu mối kinh tế sau khi được cải tạo, nâng cấp kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ, tăng cường kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP” - ông Hưng nhấn mạnh.

Năm 2024, ngành giao thông TP cần ưu tiên triển khai các dự án quan trọng, trọng điểm, có sản phẩm và mang lại hiệu quả.

Khởi công loạt dự án trọng điểm

Ông Hưng cho biết nhiệm vụ năm 2024, Sở GTVT tiếp tục hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án quy mô lớn như cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, một số dự án BOT trên đường hiện hữu theo danh mục của Nghị quyết 79.

Sở cũng sẽ thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh khoảng 23 dự án trọng điểm như: đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; vành đai 2 (đoạn 2 và đoạn 1), cầu đường Nguyễn Khoái; nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ đường vành đai 2 đến đường vào Khu công nghiệp Phú Hữu).

Đồng thời tiếp tục thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở khoảng 28 gói thầu, dự án; khởi công khoảng 16 công trình, dự án: Xây dựng mới cầu Tân Kỳ Tân Quý; mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, các gói thầu còn lại của nút giao thông An Phú và nút giao Mỹ Thủy, nút giao ngã tư Đình (Quốc lộ 1 - Nguyễn Văn Quá).

TP.HCM tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành 38 gói thầu, công trình, một số dự án trọng điểm như: đường nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ; một số gói thầu của nút giao An Phú, nút giao Mỹ Thủy và mở rộng Quốc lộ 50…

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết lãnh đạo TP rất quan tâm đến phát triển hạ tầng giao thông. Bằng chứng là hàng loạt công trình lớn đã được thông qua, ưu tiên nguồn vốn để sớm khép kín đường vành đai 2 phía đông.

Đồng thời, năm dự án BOT ở cửa ngõ TP.HCM, kết nối với các tuyến vành đai như cầu đường Bình Tiên, trục Bắc - Nam, Quốc lộ 1, Quốc 13, Quốc lộ 22 cũng đã được HĐND TP thông qua.

Năm 2024, ngành giao thông TP sẽ tập trung vào những dự án trọng điểm kết nối vùng, khơi thông hạ tầng giao thông TP. Bên cạnh đó, từ nay tới năm 2035, TP cũng cần chuẩn bị nguồn nhân lực để phục vụ cho kế hoạch xây dựng 200 km đường sắt đô thị.

Khối lượng công việc trong năm 2024 rất lớn và nguồn nhân lực phục vụ cho ngành giao thông chưa đủ đáp ứng. Thời gian tới, tổ tư vấn, kỹ sư cầu đường sẽ được tiếp tục tăng cường để bổ sung nguồn nhân lực.

“Ngành giao thông TP tự tin bằng tất cả sự nỗ lực sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm và hoàn thành mục tiêu đặt ra” - ông Lâm nhấn mạnh.•

Sở GTVT đã hiện thực hóa các chương trình, đề án của TP

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường nhận định: Sở GTVT đã tiếp nhận khối lượng công việc rất lớn trong năm 2023, đạt tỉ lệ giải ngân cao, tháo gỡ hàng loạt công trình điểm nghẽn và các công trình đã được tái khởi động trở lại.

Song song, Sở GTVT đã thực hiện công tác tham mưu cơ chế, chính sách về Nghị quyết 98, Quyết định 32 về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường vỉa hè, đề án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, quy trình tiếp nhận công trình tài trợ…

Với những kết quả và thành tích đáng ghi nhận, ngành giao thông cần ưu tiên các dự án quan trọng, trọng điểm để triển khai, có sản phẩm và mang lại hiệu quả.

Trọng tâm của năm 2024 sẽ là các chủ đề chuyển đổi số, Nghị quyết 98. Vì vậy Sở GTVT TP cần tiếp tục bám sát chủ đề năm để triển khai nhiệm vụ; đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng, hạn chế xe cá nhân, đồng thời khai thác tối đa hiệu quả các tuyến đường hiện hữu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm