Nhằm triển khai Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, Bộ Nội vụ đang hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho TP.HCM. Trong đó, Bộ Nội vụ đề xuất trao cho TP.HCM một số quyền quyết định về quản lý, đầu tư hạ tầng giao thông.
TP.HCM muốn quản lý tuyến đường thủy nội địa quốc gia
Chính sách đầu tiên về giao thông được Bộ Nội vụ nhắc đến đó là đề xuất cho phép TP.HCM thay thế Bộ GTVT trong việc tổ chức quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia và thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về GTVT đường thủy nội địa tại cảng, bến thủy nội địa trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia thuộc địa giới hành chính TP.
Theo UBND TP.HCM, thực tế từ năm 2014, Bộ GTVT đã giao cho TP.HCM quản lý các tuyến quốc lộ. Những năm qua, Sở GTVT đã sử dụng ngân sách để quản lý và bảo trì. Việc này giúp TP chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên tuyến. Từ thực tiễn đó, TP nhận thấy các tuyến đường thủy nội địa quốc gia nếu được giao quản lý như các tuyến quốc lộ thì sẽ thuận tiện hơn.
Thêm vào đó, chính quyền TP cho rằng việc đang được giao quản lý, bảo trì các tuyến đường thủy nội địa và cảng, bến thủy nội địa theo quy định được địa phương làm tốt. Điển hình, từ năm 2018 đến 2020, TP.HCM đưa vào khai thác tuyến vận tải hành khách bằng đường thủy - buýt đường thủy số 1; tuyến vận tải hành khách bằng tàu cao tốc từ bến Bạch Đằng, quận 1 đi bến Tắc Suất, huyện Cần Giờ và Hồ Mây (Bà Rịa-Vũng Tàu)…
Dự thảo nghị định cũng đưa ra quy định cho phép TP.HCM thay Bộ GTVT ban hành quy định về khai thác, sử dụng gầm cầu đường bộ, phần không gian dưới dạ cầu đường cao tốc (cầu cạn) đối với hệ thống đường bộ do UBND TP chịu trách nhiệm quản lý khai thác và bảo trì.
Theo lý giải của TP.HCM, hiện nay nhu cầu đỗ xe của người dân rất lớn, người dân cũng thiếu các khu thể dục thể thao, sân bãi phục vụ hoạt động thể dục thể thao cho thanh thiếu niên. Vì vậy, việc tận dụng các vị trí gầm cầu, gầm đường trên cao để tổ chức bãi trông giữ xe, hoạt động thể dục thể thao sẽ góp phần giải quyết nhu cầu thiết yếu của người dân, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.
Cạnh đó, việc phân cấp sẽ giúp đảm bảo công tác quản lý nhà nước hiệu quả và phát huy tính chủ động, đảm bảo phù hợp với đặc thù tại địa phương…
Theo UBND TP, hiện địa phương đang chỉ đạo các sở, ngành liên quan triển khai nghiên cứu ý tưởng quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị khu trung tâm hiện hữu mở rộng TP.HCM và khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Phân cấp cho TP.HCM được chỉ định thầu
Đáng chú ý, dự thảo nghị định quy định cho phép UBND TP.HCM “tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư các dự án cải tạo, chỉnh trang, xây dựng mới khu đô thị hiện hữu; xây dựng chung cư cũ cấp D; di dời khu nhà ở ven và trên kênh rạch; dự án khu trung tâm tài chính; dự án đầu tư xây dựng, khai thác hạ tầng kỹ thuật cảng biển và một số công trình giao thông trọng điểm (quy mô lớn)”.
TP cũng được quyết định các dự án đầu tư phát triển tại khu vực đô thị nhằm khai thác quỹ đất dọc hai bên các tuyến giao thông trọng điểm (các tuyến đường vành đai, cao tốc, đường cấp đô thị) khi Nhà nước đầu tư không phải thông qua đấu thầu.
Chính quyền TP.HCM cho rằng hiện địa phương đang tập trung đầu tư các tuyến đường vành đai, đường cấp đô thị kết nối vùng đáp ứng nhu cầu giao thông, phát triển hạ tầng tạo động lực phát triển xây dựng đô thị đồng bộ, văn minh, hiện đại.
“Để tận dụng giá trị quỹ đất dọc các tuyến giao thông trọng điểm sau khi đầu tư, tranh thủ các nguồn lực khác nhau, tận dụng thời cơ phát triển đô thị, hạ tầng đô thị thì việc đề xuất cơ chế đặc thù lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm và tiềm lực tài chính không phải thông qua đấu thầu để đầu tư các khu vực trên là rất cần thiết…” - chính quyền TP.HCM lý giải thêm.
Dự thảo nghị định cũng cho phép UBND TP.HCM thay Chính phủ “xem xét, quyết định miễn tiền thuê đất đối với trường hợp sử dụng đất để đầu tư xây dựng công trình ngầm đô thị”. Theo UBND TP, hiện địa phương đang chỉ đạo các sở, ngành liên quan triển khai nghiên cứu ý tưởng quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị khu trung tâm hiện hữu mở rộng TP.HCM và khu đô thị mới Thủ Thiêm. Các điểm này làm tiền đề cho việc cập nhật nội dung phát triển, cũng như lan tỏa định hướng tổ chức quy hoạch không gian ngầm đô thị đến các khu vực còn lại trên toàn địa bàn.
“Vì vậy, chính sách trên nhằm rút ngắn quy trình xem xét triển khai dự án, khuyến khích và tạo động lực cho các nhà đầu tư cân đối bài toán tài chính kinh doanh để nhanh chóng triển khai xây dựng, đưa vào khai thác phục vụ lợi ích cộng đồng, tăng cường hệ thống hạ tầng kỹ thuật - hạ tầng xã hội đô thị, tạo nguồn thu và đóng góp cho ngân sách địa phương” - UBND TP.HCM lý giải.•
Xác định trách nhiệm, tạo điều kiện phát huy tính chủ động, sáng tạo
Bộ Nội vụ cho rằng TP.HCM là đô thị đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Địa phương cũng có vị trí chính trị - kinh tế - xã hội quan trọng của cả nước, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Vì vậy, việc tăng cường phân cấp quản lý nhà nước cho TP trên một số lĩnh vực để xác định rõ trách nhiệm và tạo điều kiện phát huy tính chủ động, sáng tạo trong giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề phát sinh trên địa bàn TP là cần thiết.